Đám cưới hy hữu: Cô dâu dẫn đoàn bê tráp toàn nữ, đến nhà chú rể để “rước chồng” về dinh
Khoảnh khắc cô dâu dẫn đầu đoàn bê tráp mang sính lễ đến… “đón chồng” nhanh chóng thu hút đông đảo cư dân mạng quan tâm.
Thông thường, trong ngày cưới, chú rể sẽ dẫn đầu đoàn bê tráp của nhà trai để mang sính lễ gồm trầu, cau, rượu, tiền mặt… đến đón dâu. Tuy nhiên, mới đây trên mạng xã hội lại xuất hiện đoạn clip khá ngược đời khi người dẫn đoàn bê tráp lại là cô dâu.
Trong đoạn clip, nam MC giới thiệu sự có mặt của gia đình nhà gái dưới tiếng nhạc xập xình. Sau lời giới thiệu, cô dâu diện váy trắng, cùng gia đình và dàn bê tráp gồm 5 cô gái tiến vào nhà trai để làm lễ. Xem ra, so với các đám cưới truyền thống thì việc “rước rể” này rất khác lạ.
(Nguồn từ clip Pháp luật và bạn đọc)
Sau khi được chia sẻ lên mạng xã hội, đoạn clip nhanh chóng thu hút đông đảo cư dân mạng quan tâm và bình luận rôm rả. Nhiều người tò mò về đám cưới đặc biệt này và có bình luận giải thích đây là tục ở rể ở một số địa phương. Sau khi cưới, chú rể sẽ sang nhà vợ ở nên cô dâu sẽ đi “rước chồng” thay vì rước dâu như nhiều đám cưới khác.
“Lần đầu được thấy đám cưới đặc biệt như thế này. Cô dâu và dàn nữ bê tráp nhà gái lại mang tráp đến đón chú rể về dinh”.
“Ở quê mình cũng có phong tục thế này. Chú rể ở rể thì cô dâu sẽ mang sính lễ sang đón”.
(Nguồn từ clip Pháp luật và bạn đọc)
Thông thường, cô dâu sau khi cưới sẽ làm dâu nhà chồng nhưng thực tế vẫn có những trường hợp ngược lại nếu người trong cuộc chấp nhận điều này. Việc chú rể chấp nhận ở rể cũng phần nào cho thấy anh chàng rất thương vợ, sẵn sàng làm điều ngược với nhiều người khác. Dù làm dâu hay ở rể thì điều quan trọng vẫn là sự thoải mái, biết hiếu kính, tôn trọng với cha mẹ, người thân hai bên gia đình.
Ngoài ra, phong tục cưới hỏi ở một số địa phương cũng độc đáo, thú vị và thu hút nhiều người quan tâm. Cách đây không lâu, một đám cưới ở miền Tây cũng thu hút đông đảo cư dân mạng khi chú rể cô dâu “núp” sau tấm chăn lớn và làm hành động “bí ẩn” trước sự chứng kiến của gia đình hai bên.
Theo tìm hiểu, hóa ra đó là một phong tục giành trầu cau trong ngày cưới để quyết định “nóc nhà” cao hay thấp. Một cư dân mạng đã giải thích về điều này: “Trước khi che mền, chủ lễ đặt mâm trầu cau lên, sau đó che mền kín lại. Đúng tục là phải trùm tối om luôn, không cho cô dâu chú rể nhìn thấy bên trong. Sau đó, cô dâu, chú rể giành nhau trầu cau trong khay. Ông bà xưa nói, ai lấy được nhiều hơn sẽ là người nắm quyền trong nhà”.
https://www.webtretho.com/p/dam-cuoi-hy-huu-co-dau-dan-doan-be-trap-toan-nu-den-nha-chu-re-de-ruoc-chong-ve-dinh