Đoạn clip ghi lại hình ảnh đau lòng: m ột phụ nữ bị tai nạn giao thông nằm trên vỉa hè nhưng nhiều người qua lại bỏ mặc, sau đó nạn nhân tử vong khiến dư luận phẫn nộ.
Sau khi vụ việc xảy ra, Cơ quan CSĐT Công an Q.Tân Phú, Đội CSGT Q.Tân Phú phối hợp Đội 8, Phòng CSHS (PC02), Công an TP.HCM phối hợp điều tra.
Bỏ mặc người bị nạn Theo hình ảnh clip (trích xuất từ camera gắn cố định) dài khoảng 11 phút và xác minh của PV Thanh Niên, vụ tai nạn xảy ra vào khoảng 3 giờ 12 ngày 25.6 tại giao lộ Tân Hương – Võ Công Tồn, P.Tân Quý, Q.Tân Phú (TP.HCM) giữa xe taxi Vinasun do Nguyễn Tấn Phú (48 tuổi) điều khiển và xe máy do anh Nguyễn Hoàng Long (ngụ TP.HCM) chở chị Nguyễn Thị Mỹ Tiến (24 tuổi, quê xã Thới Thuận, H.Bình Đại, Bến Tre).
Vụ cô gái bất động trong đêm bên hè phố Sài Gòn: ‘Nghe loáng thoáng có gọi…’
Sau khi va chạm với xe taxi, xe máy lao vào góc tường của một nhà dân; anh Long và chị Tiến đều văng khỏi xe, ngã xuống vỉa hè, nằm co giật. Đến 3 giờ 16 phút 55 giây, anh Long cố gắng gượng chồm dậy, lảo đảo ra đường cầu cứu nhưng không có ai lại gần.
Trong khoảng 11 phút, camera ghi lại có 5 ô tô con (kể cả 1 xe taxi liên quan trực tiếp vụ tai nạn), 1 xe tải, hơn 32 xe máy, 1 xe đạp với hàng chục người đi qua vị trí nạn nhân.
Ở khoảng 1 phút 40, có một thanh niên đi xe máy ngang qua dừng lại, lấy điện thoại ra gọi, có thể là báo tin tai nạn. Ngay lúc đó, một người đàn ông mặc quần short đi bộ đến gần nói chuyện với thanh niên đi xe máy. Sau đó người này 2 lần lại gần cô gái, đưa tay ra như kiểm tra hơi thở rồi quay lại nói chuyện với người đi xe máy đang gọi điện thoại. Trong lúc 2 người trao đổi, có thêm 3 thanh niên đi bộ đến, nhưng tất cả đứng nhìn 2 nạn nhân nằm co giật.
Đến khoảng 4 phút 52 giây, nhóm 5 người này đều rời đi. Riêng trong khoảng 5 phút cuối clip, khi nạn nhân nam cố gắng gượng dậy đi tìm người cứu, có 2 ô tô con, 1 xe tải, 26 xe máy (có xe máy đi 2 người) đi qua vị trí chị Tiến nằm, nhưng không ai dừng lại giúp nạn nhân.
Đáng chú ý, sau khi xảy ra tai nạn, tài xế taxi có dừng xe, mở cửa bước xuống, đến gần anh Long quan sát. Tuy nhiên, trong vòng 20 giây, tài xế taxi ngó tới ngó lui thấy đoạn đường vắng người qua lại nên lên xe bỏ chạy khỏi hiện trường, để mặc 2 nạn nhân nằm co giật.
Tai nạn làm 2 nạn nhân văng lên vỉa hè nằm co giật
Giá như được cứu sớm… Theo thông tin từ Bệnh viện 115 (nơi anh Long đang được điều trị), bệnh nhân nhập viện sáng 25.6. Kết quả khám và chẩn đoán hình ảnh cho thấy bị dập não, xuất huyết não thái dương trái, tay chân trầy xước nhẹ. Hiện bệnh nhân tỉnh táo, tình trạng tạm ổn và đang được tiếp tục theo dõi sức khỏe.
Tài xế taxi cho xe lại gần
Tiếp xúc với PV Thanh Niên, mẹ anh Long cho hay anh “không biết nạn nhân nữ là ai do người quen nhờ chở về”.
Người nhà anh Long cho rằng giá như được cấp cứu sớm, có thể chị Tiến sẽ không tử vong. Chiều 27.6, ông Nguyễn Minh Hùng, Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch UBND xã Thới Thuận, xác nhận chị Nguyễn Thị Mỹ Tiến đã được người nhà đưa về quê an táng.
“Tôi có xem clip và các nội dung ban đầu được Báo Thanh Niên đăng tải. Lúc đầu tôi cũng không biết là dân địa phương mình, nhưng rất phẫn nộ trước sự thờ ơ, vô cảm của những người đi đường trước các nỗ lực vì mạng sống của chàng trai. Tôi thấy cô gái lúc đầu còn có sức, hơi động đậy, nhưng sau thì yếu đi. Nếu có sự giúp đỡ thì kết quả có thể không phải thương tâm như vậy”, ông Hùng chia sẻ.
Đến gần xem tình trạng nạn nhân
Theo ông Hùng, chị Tiến lập gia đình sớm và đã ly dị chồng, có một con 3 tuổi đang sống với gia đình ngoại. Thời gian gần đây, chị Tiến có thông tin với gia đình đi làm ăn xa nhưng không nói rõ ở đâu.
Tai nạn xảy ra, chính quyền địa phương cũng đã đến an ủi, động viên gia đình nạn nhân.
Bỏ mặc nạn nhân có thể bị truy cứu hình sự Về việc bỏ mặc nạn nhân, luật sư (LS) Bùi Quốc Tuấn (Đoàn LS TP.HCM) cho biết cá nhân hoặc tổ chức không cứu giúp người bị tai nạn giao thông khi có yêu cầu, thì có thể bị xử phạt hành chính từ 500.000 – 2 triệu đồng theo khoản 3, điều 11 Nghị định 46/2016/NĐ-CP của Chính phủ. LS Tuấn nhấn mạnh: “Tuy nhiên, trong trường hợp này, sự “vô cảm” của tài xế taxi hoặc người dân đi đường, khi xác định được danh tính, thì có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo điều 132 bộ luật Hình sự năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017), về tội “không cứu giúp người đang ở trong tình trạng nguy hiểm đến tính mạng”.
Lên xe chạy khỏi hiện trường
Về việc nhiều ý kiến cho rằng một số người dân sau đó có mặt tại hiện trường đã không cứu giúp vì sợ bị dàn cảnh cướp hoặc sợ bị liên lụy, theo LS Nguyễn Duy Hùng (Đoàn LS TP.Hà Nội), xem diễn biến clip thì sự việc rõ ràng là 2 nạn nhân bị tai nạn, vì thực tế những người ở hiện trường có người đã đến sát bên cạnh nạn nhân để xem tình trạng. Vì vậy, việc cho rằng sợ bị dàn cảnh cướp hoặc sợ bị liên lụy là hành vi biện minh cho sự vô cảm. “Đối với tài xế taxi, rõ ràng là hành vi đáng lên án. Chưa biết lỗi trong vụ tai nạn là do ai, nhưng cần thiết phải gọi điện cho các cơ quan chức năng đến hiện trường và đưa nạn nhân đi cấp cứu”, LS Hùng nói.
Nạn nhân nữ nằm trên vỉa hè, nhiều người qua lại nhưng không ai giúp
Ảnh: cắt từ clip
Thạc sĩ văn hóa học Lê Thị Thảo Trang, Trường cao đẳng Sư phạm T.Ư TP.HCM, cho rằng khi con người hoài nghi nhiều hơn, thiếu niềm tin lẫn nhau, kém đoàn kết, tương trợ lẫn nhau, đề cao tính cá thể chứ không phải tính cộng đồng… sẽ gây ra nhiều hệ quả xấu trong sự phát triển của cộng đồng; không chỉ là một vụ tai nạn thương tâm với một cô gái chết bên đường. “Có nên chăng, những người “vô cảm” thay vì vô tội như hiện nay, cũng cần phải chịu những áp lực không chỉ từ dư luận mà còn của cả luật pháp?”, thạc sĩ Trang nêu vấn đề.