Vợ chồng tôi bàn bạc rồi thống nhất sẽ đưa lại hết số tiền mà trước giờ con dâu đã biếu.
Tôi tên Ngọc Vy, là một nhân viên hành chính nhưng đã nghỉ hưu được 2 năm nay. Mỗi tháng, tôi nhận được 9 triệu tiền lương hưu. Và con dâu biếu tôi 5 triệu đều đặn vào ngày mùng 5 hằng tháng.
Số tiền thể hiện lòng hiếu thảo
Từ ngày cưới đến nay, con trai và con dâu ở riêng, cách nhà tôi 3km. Tuy chỉ có một cậu con trai duy nhất nhưng khi con trai bày tỏ mong muốn được xây nhà riêng, tôi đã đồng ý ngay. Tôi hiểu, vợ chồng chúng tuổi còn trẻ, cũng thích được sống thoải mái trong căn nhà riêng của chính mình. Tôi không phải kiểu người gia trưởng, ép buộc con dâu phải sống chung rồi hầu hạ, phục vụ nhà chồng. Điều tôi cần là 2 con sống hạnh phúc, thấu hiểu nhau là đủ rồi.
Đều đặn từ đó đến nay, cứ đến ngày mùng 5 hàng tháng nhận lương, con dâu lại tự tay cầm 5 triệu biếu tôi. Tôi không nhận nhưng con dâu nói đó là số tiền thể hiện tấm lòng hiếu thảo của con, mong muốn tôi nhận lấy; nếu tôi không dùng đến thì cứ tiết kiệm, phòng khi đau bệnh cũng có tiền lo thuốc men, viện phí. Thấy con dâu nài nỉ, tôi đành cầm lấy và gửi vào một cuốn sổ tiết kiệm.
Con dâu đối xử với vợ chồng tôi rất tốt. Khi nào rảnh, con đều chủ động về nhà chồng, giúp tôi dọn dẹp nhà cửa. Nấu món gì ngon, con dâu lại múc ra một phần riêng, đem về cho bố mẹ chồng ăn cùng. Tôi hay đau lưng, con mua thuốc bổ cho tôi uống. Biết bố chồng thích uống cà phê sáng thì con dâu mua cà phê biếu ông ấy. Vậy nên, tôi rất thương con dâu, con sống biết điều, hiểu tình nghĩa.
Ảnh minh họa.
Thứ trên mâm cơm đã tố cáo tất cả bí mật mà con dâu giấu giếm
Mấy ngày trước, tôi đi công việc, sẵn tiện ghé vào nhà con trai và con dâu. Tôi mua cho các cháu cân mực tươi để con dâu hấp nước dừa, món mà 2 đứa cháu thích ăn nhất. Tôi đến vào 10h30 sáng, lúc con dâu đã nấu ăn xong. Thấy mẹ chồng, con dâu vội ra chào hỏi, chủ động dắt xe tôi vào nhà và kêu đứa con lớn lấy nước cho bà nội uống.
Tôi đem cân mực xuống nhà bếp, vô tình thấy mâm cơm nhà con dâu. Mâm cơm chỉ có một bát thịt kho tiêu nhỏ (chắc đủ cho 2 đứa trẻ ăn), một bát canh rau lõng bõng và đĩa tép rang, món mà tôi gửi cho con từ tháng trước đến tận bây giờ. Tôi hỏi cháu bữa ăn thường ngày cũng như vậy sao? Cháu gật đầu, còn kể một chuyện mà tôi sửng sốt.
Thì ra từ đầu năm nay, con dâu bị thất nghiệp, chỉ ở nhà nấu nướng, dọn dẹp, đưa đón con đi học. Buổi tối thì con dâu đi phụ quán nước uống ở công viên để kiếm thêm tiền mua thức ăn. “Mẹ không cho con nói với bà nội đâu? Mẹ sợ bà nội lo. Có lần con thấy mẹ đi vay tiền để biếu bà nội đấy, mẹ bảo tiền đó tháng nào cũng phải đưa để cảm ơn ông bà đã sinh ra và nuôi dưỡng bố con”. Cháu còn tự hào nói: “Sau này con lớn, con cũng sẽ đi làm để kiếm tiền biếu mẹ con để cảm ơn mẹ đã sinh ra và nuôi dưỡng con”.
Cùng lúc đó, con dâu đi xuống, tôi liền hỏi chuyện mà cháu nội mới kể. Biết không thể giấu được nữa, con dâu đành nói thật mọi chuyện. Công ty sa thải nhân viên, con nằm trong đợt sa thải nên phải ở nhà. Tiền bạc cũng túng thiếu, con đành phải tiết kiệm tối đa, kể cả trong việc ăn uống. “Cũng may có hộp tép rang mẹ cho từ tháng trước mà vợ chồng con tiết kiệm được tiền mua tôm mua thịt”. Con dâu cười nói một cách thoải mái nhưng trái tim tôi lại như bị giày vò.
Tôi về kể cho ông xã nghe. Vợ chồng tôi bàn bạc rồi thống nhất sẽ đưa lại hết số tiền mà trước giờ con dâu đã biếu; tôi cũng trích một phần tiền tiết kiệm để cho con tròn 400 triệu đồng.
Khi nhận tiền, con dâu ngạc nhiên lắm. Con từ chối nhưng tôi quyết ép con phải cầm số tiền đó để chi tiêu. Tôi cũng nói luôn rằng tôi không nhận 5 triệu mỗi tháng của con nữa. Con dâu bật khóc, cảm ơn tôi và hứa khi nào đi làm lại, có tiền sẽ trả lại tôi. Thấy các con các cháu sống khổ, tôi không đành lòng. Tôi có nên bảo chúng về ở cùng mình để tiện việc đỡ đần không?
https://giadinh.suckhoedoisong.vn/thang-nao-con-dau-cung-bieu-toi-5-trieu-ke-ca-phai-di-vay-nghe-chau-noi-tiet-lo-ly-do-ma-tim-toi-dau-don-nuoc-mat-uot-ma-172240518171013817.htm