Bị đất đá vùi lấp đến cổ, trên lưng là người đàn ông không còn dấu hiệu sự sống, Vừ Mí Sính, 21 tuổi nghĩ sẽ phải bỏ mạng ở Bắc Mê, tỉnh Hà Giang.
Sính là một trong 4 nạn nhân bị thương sau vụ sạt lở ở xã Yên Định, huyện Bắc Mê lúc hơn 4h sáng nay. Nằm theo dõi ở Bệnh viện Đa khoa tỉnh Hà Giang với vết sây sát khắp cơ thể, chàng trai dân tộc Mông chưa tin mình có thể sống sót.
Sính xuống Hà Nội làm thuê cho một xưởng đá lạnh từ đầu năm, đến 20h ngày 12/7 thì bắt xe giường nằm về thăm quê ở huyện Mèo Vạc, tỉnh Hà Giang. 2h sáng nay, khi xe đến TP Hà Giang, Sính chờ khoảng một tiếng rưỡi để sang ôtô 16 chỗ của nhà xe Hòa Bình, tiếp tục chặng đường 135 km về nhà.
Trời mưa lớn, ôtô 16 chỗ chật kín khách, lao đi trên quốc lộ 34 hướng Bắc Mê (Hà Giang) – Bảo Lâm (Cao Bằng). Không ai được cảnh báo về sạt lở đất, dù hai hôm nay Hà Giang mưa to. Quốc lộ 34 một bên núi cao, một bên vực sông, suối. Sính ngồi ở hàng ghế thứ ba từ trên xuống, thiêm thiếp ngủ.
Nạn nhân Sính tại bệnh viện. Ảnh: Phạm Chiểu
Ôtô chạy được hơn chục km, Sính nghe tiếng kêu “khực khực” rồi xe dừng hẳn. Gặp trúng bãi bùn trên quốc lộ, đoạn qua thôn Tạ Mò, xã Yên Định, bánh xe quay tít. Tài xế yêu cầu những thanh niên khỏe mạnh xuống đẩy xe, Sính nằm trong số đó.
Một số người trên xe 7 chỗ phía trước và người đi xe máy đã xuống hỗ trợ ôtô 16 chỗ vượt đoạn bùn lầy. Trong đêm tối, mưa rát mặt, Sính không rõ bao nhiêu người xuống đẩy xe, chỉ biết dù cố hết sức xe vẫn không di chuyển.
“Bánh xe bị đất vùi quá nửa, cứ quay tít mà không nhúc nhích”, Sính kể. Sau khoảng ba phút, tài xế yêu cầu tất cả hành khách xuống cho nhẹ xe.
Hơn phút sau khi hành khách xuống xe, Sính nghe tiếng đất đá từ trên núi cao ầm ầm đổ xuống. Mọi người tháo chạy, nhưng chỉ được vài bước thì bị đẩy về phía vực suối và chôn vùi dưới đất. Sính bị đất nhão nhoẹt lấp tới cổ.
“Bị nén chặt, em không thở nổi”, Sính kể, cố gắng rút cánh tay lên gạt bùn đất bám đầy mặt. Sau lưng Sính còn một người đàn ông.
Hiện trường vụ sạt lở sáng 13/7. Ảnh: Thế Đồng
Hai phút sau đợt sạt lở đầu tiên, đất đá lại sạt tiếp khiến mọi nỗ lực cố thở của Sính bị dập tắt. Đất đá phủ kín mặt. “Em đã nghĩ tới cái chết”, Sính nói.
Người đàn ông sau lưng Sính ban đầu còn kêu cứu, sau đó im bặt. Không gian chỉ còn tiếng mưa. Sính không nghe thấy tiếng cầu cứu nào nữa.
Sau khoảng 40 phút bị vùi lấp, lực lượng cứu hộ tới, Sính cố kêu hai tiếng “cứu với” rồi ngất. Mất thêm 30 phút, chàng trai được đưa lên khỏi lớp bùn đất, chuyển tới Bệnh viện Đa khoa tỉnh Hà Giang.
Chạy đua với thời gian tìm kiếm nạn nhân
Cách hiện trường khoảng 15 km, lúc 4h15, chuông điện thoại của đại úy Lê Huy, trực ban Phòng Cảnh sát phòng cháy chữa cháy và cứu nạn cứu hộ tỉnh Hà Giang reo liên hồi. Vừa mở máy, đầu bên kia hối hả thông báo về vụ sạt lở vùi lấp nhiều người tại huyện Bắc Mê.
Đại úy Huy vội báo cáo lãnh đạo đơn vị. Sau 10 phút, xe chỉ huy và xe chở 20 chiến sĩ lên đường, mất thêm 20 phút thì tới hiện trường. Trong lúc tranh tối tranh sáng, mưa như trút nước, dội vào mắt họ là đống đất đá, cành cây to như quả đồi, chắn hết quốc lộ 34, cắt đứt tuyến đường nối Hà Giang với Cao Bằng.
“Đất đá sạt xuống lấp đầy cả khoảng vực sâu 15 m, nhiều chỗ nhô lên mặt quốc lộ hơn 2 m”, đại úy Huy nói. Ôtô 16 chỗ nằm nghiêng 30 độ, sát mép đường phía vực suối, 4 bánh chôn trong đất.
Cảnh sát cứu sống nạn nhân Sính. Ảnh: L.H
Cách xe 16 chỗ hơn 10 m là hai nhóm nạn nhân. Thứ nhất là người đàn ông bị đất vùi nửa chân, thân người nằm chếch bên bờ vực. Nhóm thứ hai là hai nam thanh niên nằm chồng lên nhau. Người bên trên bị tảng đá lớn đè đã tử vong. Người bên dưới là Sính còn dấu hiệu sự sống, tay đang nắm điện thoại.
Đội cứu hộ người dùng xẻng, người dùng tay bới đất, đưa hai thanh niên còn sống ra khỏi hiện trường.
Trời hửng sáng, nhiều lực lượng của tỉnh Hà Giang tới tiếp ứng, tổng cộng hơn 300 người, trong đó có hơn 100 dân quân, bộ đội từ Bộ Chỉ huy quân sự tỉnh. Trong khi ba máy xúc san gạt ở những vị trí đất dày, các nhóm chiến sĩ dùng cuốc, xẻng và tay không tìm kiếm ở vị trí nghi có người.
Ông Nguyễn Văn Giao, Giám đốc Sở Y tế Hà Giang, cho biết ngành y tế tỉnh đã kích hoạt hệ thống cứu cấp lưu động vào hiện trường để sơ, cấp cứu cho nạn nhân và vận chuyển về Bệnh viện Đa khoa tỉnh. Việc cứu hộ gặp nhiều khó khăn do trời mưa to, khối lượng đất, cây sạt xuống lớn, phủ trên diện tích rộng.
Trong buổi sáng, lực lượng cứu hộ tìm thêm 6 nạn nhân, trong đó có hai mẹ con bị vùi trên mặt quốc lộ 34 và 4 người nằm rải rác dọc mép vực. Đến chiều, 5 nạn nhân khác được tìm thấy ở các vị trí sâu hơn.
Thi thể tài xế ôtô 16 chỗ Nguyễn Chí Thanh, 58 tuổi, quê Hà Giang và tài xế xe 7 chỗ Hoàng Văn Lâm, 33 tuổi, quê Tuyên Quang (người xuống đường hỗ trợ đẩy xe) được tìm thấy ở gần vị trí xe gặp nạn.
Video Player is loading. Pause Current Time 0:02 / Duration 1:43 Loaded: 0% Progress: 0% Unmute Fullscreen
Lực lượng cứu hộ khẩn trương tìm kiếm nạn nhân sau sạt lở. Video: Thế Quỳnh – Huy Mạnh – Đỗ Nam
Thống kê của chính quyền Hà Giang, sạt lở làm 11 người chết, trong đó 8 người trên xe 16 chỗ, 3 người trên xe 7 chỗ (xuống hỗ trợ xe khách thoát khỏi bùn lầy), một người nghi mất tích chưa xác định danh tính. Các nạn nhân quê ở Tuyên Quang, Cao Bằng, Lai Châu, Hòa Bình và Hà Giang, trẻ nhất 4 tuổi, già nhất 79 tuổi.
4 người bị thương nằm tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh. Trong đó Sính và 2 người chấn thương phần mềm nằm theo dõi tại Khoa Cấp cứu, một thanh niên bị gãy xương đùi đang chờ huyết áp ổn định để phẫu thuật. 9 người khác chạy thoát.
Nhà chức trách Hà Giang vẫn đang tổ chức tìm kiếm người nghi mất tích, hỗ trợ gia đình có người chết 5 triệu đồng, người bị thương 2 triệu đồng và san gạt đất để thông xe quốc lộ 34.