Bệnh nhân 18 tuổi ở huyện miền núi Nghệ An tử vong do bệnh bạch hầu

Một cô gái 18 tuổi tại huyện miền núi Nghệ An vừa được xác định tử vong do bệnh bạch hầu. Qua điều tra dịch tễ, cơ quan chức năng của tỉnh đã xác định có 119 người có tiếp xúc với bệnh nhân từ lúc khởi phát đến lúc tử vong.

Sáng 8/7, đại diện Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC) tỉnh Nghệ An thông tin, trên địa bàn vừa ghi nhận 1 bệnh nhân 18 tuổi tử vong do bệnh bạch hầu. Bệnh nhân là em P.T.C, (trú tại Bản Phà Khảo, xã Phà Đánh, huyện Kỳ Sơn).

Trước đó, ngày 24/6, bệnh nhân C., có biểu hiện sốt, ho, đau họng, tự mua thuốc điều trị (thuốc tây và thuốc nam) nhưng không đỡ.

Đến đêm 30/6, bệnh nhân C nhập viện Trung tâm Y tế huyện Kỳ Sơn trong tình trạng mệt mỏi, da, niêm mạc kém hồng, sốt 37,8°C, ho, đau họng, khàn tiếng, sưng vùng cổ phải, nuốt đau, nổi hạch góc hàm 2 bên, amydal to có dịch mủ, có giả mạc trắng bám amydal và lưỡi gà, dễ bóc tách. Được chẩn đoán, theo dõi bệnh bạch hầu.

 

Bệnh nhân 18 tuổi ở huyện miền núi Nghệ An tử vong do bệnh bạch hầu - Ảnh 1.

Bệnh bạch hầu (ảnh minh họa)

Ngày 3/7, bệnh nhân sốt 39°C, ho, đau rát họng nhiều, khàn tiếng, nói khó, nuốt đau, ăn uống kém, sưng hạch góc hàm 2 bên, sưng đau vùng cổ phải, ăn uống kém, không khó thở, không nôn, mạch 85 lần/phút, huyết áp 110/60 mmHg, niêm mạc họng loét đỏ sưng nề, nhiều tổ chức loét thâm, hoại tử, amydal to có giả mạc trắng bám amydal và lưỡi gà, dễ chảy máu.

Ngày 4/7, bệnh nhân được chuyển tuyến đến Bệnh viện Hữu Nghị Đa Khoa Nghệ An điều trị. Tại đây, bệnh nhân được chẩn đoán, theo dõi sốc nhiễm khuẩn (R 57.2)/ Bạch hầu (A36) biến chứng viêm cơ tim (I40); theo dõi đợt cấp suy thận mạn (N18); rối loạn đông máu (D68); giảm tiểu cầu (D69.6).

23 giờ 50’ ngày 4/7, gia đình bệnh nhân xin về với chẩn đoán lúc xuất viện: TD bạch hầu ác tính (A36), biến chứng viêm cơ tim (I40), suy đa tạng (T94.0). Đến 4 giờ 00’ ngày 05/7, bệnh nhân C. tử vong trên đường về địa phương.

Ngay sau khi tiếp nhận thông tin từ Bệnh viện Hữu nghị Đa khoa Nghệ An về trường hợp bệnh nhân mắc bệnh bạch hầu, CDC Nghệ An đã cử đoàn giám sát tiến hành điều tra và lấy mẫu bệnh phẩm chuyển Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương xét nghiệm chẩn đoán, đồng thời cử đội phản ứng nhanh đến tại địa phương nơi ghi nhận ca mắc tiến hành điều tra, giám sát hướng dẫn, chỉ đạo triển khai các biện pháp phòng chống và kiểm soát bệnh bạch hầu.

Qua điều tra dịch tễ, cơ quan chức năng của tỉnh Nghệ An xác định có 119 người có tiếp xúc với bệnh nhân từ lúc khởi phát đến lúc tử vong.

Ngày 5/7, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Nghệ An nhận được thông báo của Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương về kết quả xét nghiệm của bệnh nhân dương tính với vi khuẩn C.diphtheria (Bạch hầu).

Truy vết được 119 người tiếp xúc với cô gái 18 tuổi tử vong do bạch hầu

Chiều 8-7, trao đổi với phóng viên Báo Người Lao Động, ông Chu Trọng Trang, Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC) Nghệ An, cho biết trung tâm đã có báo cáo gửi Sở Y tế Nghệ An về kết quả điều tra, xử lý công tác phòng chống dịch bạch hầu sau trường hợp bệnh nhân ở bản Phà Khảo, xã Phà Đánh, huyện Kỳ Sơn tử vong.

Cơ quan chức năng lấy mẫu xét nghiệm những người có tiếp xúc với bệnh nhân tử vong

Theo báo cáo, 16 giờ ngày 4-7, CDC Nghệ An nhận được thông tin từ Trung tâm Bệnh nhiệt đới, Bệnh viện Hữu nghị Đa khoa Nghệ An về một ca nghi bạch hầu. Trung tâm đã cử đoàn giám sát tiến hành điều tra và lấy mẫu xét nghiệm. Nữ bệnh nhân là P.T.C. (18 tuổi, ngụ xã Phà Đánh, huyện Kỳ Sơn).

Bệnh nhân là học sinh của Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp – Giáo dục thường xuyên huyện Kỳ Sơn vừa hoàn thành kỳ thi tốt nghiệp THPT quốc gia năm 2024.

Khai thác thông tin dịch tễ được biết ngày 26-6, chị C. có biểu hiện sốt, ho, đau họng, khàn tiếng. Bệnh nhân tự mua thuốc điều trị và vẫn tham gia dự kỳ thi tốt nghiệp THPT quốc gia năm 2024 tại Trường THPT huyện Kỳ Sơn vào ngày 27 đến 28-6.

Sau khi thi xong, chị C. về nhà nhưng bệnh không đỡ nên ngày 1-7 đã đến Trung tâm Y tế huyện Kỳ Sơn khám và nhập viện điều trị. Đến ngày 4-7, bệnh không thuyên giảm nên chị C. được chuyển lên Bệnh viện Hữu nghị Đa khoa Nghệ An tiếp tục điều trị.

Bệnh nhân C. nhập viện với chẩn đoán bị sốc nhiễm khuẩn/bạch hầu, biến chứng viêm cơ tim, suy đa tạng, rối loạn đông máu, giảm tiểu cầu. Sau đó bệnh nhân được gia đình xin về và tử vong vào lúc 4 giờ ngày 5-7.

“Qua rà soát đã xác định được 119 người có tiếp xúc với bệnh nhân C. từ lúc khởi phát đến lúc tử vong”- ông Chu Trọng Trang thông tin.

Được biết, trong các trường hợp tiếp xúc gần với chị C. ở ký túc xá có 2 người di chuyển từ huyện Kỳ Sơn ra tạm trú tại tỉnh Bắc Giang, trong đó chị M.T.B. đã được xét nghiệm cho kết quả dương tính với bạch hầu.

Liên quan tới ca bệnh bạch hầu trong cộng đồng, để chủ động tăng cường công tác phòng, chống bệnh không để bệnh lây lan kéo dài, trên diện rộng, Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế) đã có những chỉ đạo các địa phương liên quan, cụ thể:

Hai tỉnh có liên quan tới ca bạch hầu đó là các tỉnh Nghệ An và Bắc Giang cần tăng cường rà soát các trường hợp tiếp xúc gần với trường hợp mắc bệnh bạch hầu; Giám sát phát hiện sớm các trường hợp nghi mắc bệnh tại ổ dịch và tại cộng đồng, lấy mẫu xét nghiệm xác định kịp thời trường hợp mắc bệnh, triển khai các biện pháp xử lý triệt để ổ dịch, tổ chức điều tra và điều trị kháng sinh dự phòng cho tất cả các trường hợp tiếp xúc gần theo hướng dẫn của Bộ Y tế.

Bộ Y tế lưu ý Sở y tế hai tỉnh trên đảm bảo công tác thu dung, cấp cứu, phân luồng khám, phân tuyến điều trị bệnh nhân; Thiết lập khu vực riêng khám, cách ly điều trị, cấp cứu bệnh nhân, hạn chế thấp nhất các trường hợp tử vong; Thực hiện nghiêm việc kiểm soát nhiễm khuẩn, phòng chống lây nhiễm chéo tại các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh, hạn chế việc chuyển bệnh nhân đến bệnh viện tuyến trên khi không cần thiết.

Bộ Y tế yêu cầu, rà soát, thống kê các đối tượng chưa được tiêm hoặc tiêm chưa đầy đủ vắc xin phòng bệnh bạch hầu ở tất cả các xã, phường và tổ chức tiêm bổ sung, tiêm vét, nhất là tại các địa bàn có lưu hành bệnh bạch hầu và có tỷ lệ tiêm chủng thấp. Đẩy mạnh các hoạt động tuyên truyền về bệnh bạch hầu, các biện pháp phòng chống để người dân chủ động thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch bệnh và phối hợp chặt chẽ với các đơn vị y tế trong quá trình điều trị.

Theo Bộ Y tế trong trường hợp cần thiết đề xuất nhu cầu huyết thanh kháng độc tố bạch hầu gửi Bộ Y tế để thực hiện phân bổ, quản lý và sử dụng theo quy định. Huy động nhân lực hỗ trợ các khu vực có dịch, cử các đội cơ động chống dịch, đội cấp cứu lưu động hỗ trợ cho các địa phương triển khai công tác phòng, chống dịch bệnh.

Trong Luật phòng, chống bệnh truyền nhiễm, bệnh bạch hầu thuộc nhóm B, là các bệnh truyền nhiễm nguy hiểm có khả năng lây truyền nhanh và có thể gây tử vong. Thực tế, ngay cả khi được điều trị, tỷ lệ tử vong của bệnh cũng lên tới 5-10%.

Theo Bộ Y tế, vi khuẩn gây ra bệnh bạch hầu thường khu trú và làm thương tổn đường hô hấp trên (mũi, họng, thanh quản) tạo giả mạc dai dính, khó bóc tách và sinh ra ngoại độc tố gây nhiễm độc toàn thân (tim, thận, thần kinh), nguy cơ tử vong cao do tắc đường thở và viêm cơ tim. Bệnh có thuốc điều trị đặc hiệu bằng kháng sinh, kháng độc tố bạch hầu và có thể phòng bệnh bằng vắc xin.

Nguồn : https://nld.com.vn/truy-vet-duoc-119-nguoi-tiep-xuc-voi-co-gai-18-tuoi-tu-vong-do-bach-hau-196240708174128835.htm

https://vov.vn/suc-khoe/benh-nhan-18-tuoi-o-huyen-mien-nui-nghe-an-tu-vong-do-benh-bach-hau-post1106509.vov

https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/1-nu-sinh-tu-vong-do-mac-benh-truyen-nhiem-nguy-hiem-bo-y-te-co-chi-ao-moi-nhat-a442995.html