Sau khi biết điểm thi, ngoài việc dằn vặt, cắn rứt vì sự bất cẩn của bản thân, bạn học sinh này còn phải đối mặt với sự lạnh nhạt và thiếu thấu hiểu từ phía bố mẹ.
Dòng tâm sự của bạn học trò thi trượt lớp 10 khiến bao người suy ngẫm
Đến hiện tại, các thí sinh tham dự kỳ thi vào lớp 10 đã biết điểm thi cũng như biết được kết quả mình có trúng tuyển vào nguyện vọng mong muốn hay không?
Bên cạnh những thí sinh đang vui mừng vì kết quả như mình mơ ước thì cũng có không ít thí sinh buồn bã, nhiều suy nghĩ vì điểm số không như mong muốn. Đáng nói, nhiều thí sinh còn không nhận được sự đồng cảm từ gia đình, bị bố mẹ nói lời nặng nhẹ khiến tâm lý của các bạn càng rơi vào vực thẳm. Điển hình như lời tâm sự của bạn học sinh dưới đây.
Theo đó, một thí sinh vừa biết tin bản thân trượt nguyện vọng 1 vào trường THPT Yên Hòa vì thiếu 0.25 điểm. Đây là ngôi trường mà bạn học sinh này đã ước mơ bấy lâu, thậm chí, mỗi lần đi học về đều ghé qua trường để ngó nghiêng, tưởng tượng bản thân trở thành học sinh của ngôi trường này.
Bên cạnh đó, bạn học sinh cũng thừa nhận rằng, cấp 2 bạn thân học rất giỏi, là niềm hy vọng của gia đình, thầy cô và bạn bè. Thế nhưng, câu nói “học tài thi phận” quả thật rất đúng với bạn học sinh này. Điểm thi thiếu 0.25 – một con số rất nhỏ đã khiến bao hy vọng sụp đổ.
Chưa kể, sau khi biết điểm thi, ngoài việc dằn vặt, cắn rứt vì sự bất cẩn của bản thân, bạn học sinh này còn phải đối mặt với sự lạnh nhạt và thiếu thấu hiểu từ phía gia đình. Điều này khiến tâm trạng của bạn học sinh càng thêm tồi tệ.
“Từ khi biết điểm, không khí trong gia đình con chùng xuống. Thầy cô và bạn bè động viên con, mong con học tốt ở nguyện vọng 2 nhưng bố con thì khác, họ chẳng nhìn con lấy một lần. Bố mẹ con cho rằng con là một đứa trẻ thất bại, chỉ mỗi việc ăn học cũng chẳng xong, rất tốn tiền của bố mẹ, chẳng thà về quê cho lành.
Con chỉ biết lẳng lặng nghe và cắn rứt trong lòng. Con thậm chí chẳng nhận được một lời khen hay khích lệ từ họ, trong khi bố mẹ là người con yêu thương và tin tưởng nhất.
Con cảm thấy sụp đổ, nghi ngờ khả năng của bản thân. Con vẫn muốn được học tập, được giao lưu với bạn bè, còn bao nhiêu thứ con muốn trải nghiệm 3 năm tới. Nhưng bố cương quyết rằng, con không có khả năng học tập, chỉ xứng hạng trường bét, không nên phí tiền của bố mẹ”, bạn học sinh chia sẻ.
Ngay sau khi câu chuyện này được chia sẻ lên mạng xã hội lập tức nhận được nhiều sự quan tâm của cộng đồng mạng. Ai nấy đều xót xa cho lời tâm sự của bạn học trò vừa trải qua một kỳ thi căng thẳng. Việc điểm thi không như mong muốn vốn cũng không phải mong muốn của bạn học sinh này. Thế nhưng, bạn ấy đã gặp quá nhiều áp lực từ chính bản thân và gia đình khiến nhiều người càng thêm thương cảm.
Bên cạnh đó, cộng đồng mạng cho rằng, việc thi trượt nguyện vọng 1 vốn không phải chuyện gì quá to tát. Thậm chí, đây rất có thể là một hướng đi mới, một lựa chọn mới tuyệt vời hơn trong tương lai. Chính vì vậy, cộng đồng mạng khuyên bạn học sinh này nên nghĩ thoáng ra, sắp xếp lại tâm trạng và tiếp tục nỗ lực. Quả ngọt sẽ đến với bạn ấy sớm thôi.
“Không biết em có đọc được những dòng comment này không nhưng chị vẫn muốn gửi lời động viên, một cái ôm ấm áp đến em. Mong rằng em có thể mạnh mẽ và may mắn sẽ đến với em. Hãy hiểu cho bố mẹ, bố mẹ cũng chỉ luôn mong muốn em có được một môi trường học tập tốt nhất. Cũng mong bố mẹ hãy hiểu con đã cố gắng tới mức nào, chỉ là thiếu may mắn 1 chút thôi”
“Không sao đâu con ạ, thua keo này ta bày keo khác. Chúc con luôn thành công trong suốt cuộc đời. Cô mong rằng con có thể đọc được tất cả lời nhắn của mọi người ở đây mà lấy động lực tiếp nhé”
“Suốt ngày ăn chơi lêu lổng không chịu lo học hành mới đáng trách. Chứ con đã cố gắng chăm chỉ hết mức có thể mà vẫn trượt thì chẳng có gì đáng trách hết, con phải mau chóng lấy lại tinh thần và không ngừng nỗ lực con nhé”
“Cuộc đời này không có gì là tuyệt đối, không học trường này thì sẽ là trường khác, không cơ hội này thì sẽ là cơ hội khác. Chỉ có con là duy nhất, vậy nên con phải mạnh mẽ và vững tin vào bản thân mình nhé. Chúc con mạnh khỏe và bình an, còn việc học hành, đừng nặng nề con nhé”, là những lời khuyên mà cư dân mạng nhắn nhủ đến bạn học trò.
Cha mẹ dẫu buồn nhưng nên thấu hiểu lòng con
Trên thực tế, việc con cái không như kỳ vọng quả thực sẽ khiến cha mẹ không khỏi buồn lòng. Điều này cũng xuất phát từ việc lo lắng cho con, mong cho con có một tương lai sáng lạn mà thôi.
Tuy nhiên, việc tiếp nhận và ứng xử với con sau khi con thất bại thì không phải ai cũng khéo léo và tinh tế. Bố mẹ của bạn học trò nói trên là một điển hình! Việc tỏ thái độ “không thèm nhìn con lấy một lần”, “cho con là đứa trẻ thất bại”, mắng con “học trường hạng bét”… khiến đứa con buồn bã và suy sụp biết bao nhiêu. Điều này ảnh hưởng rất lớn đến tâm lý của con về sau.
Trước câu chuyện của bạn học sinh nói trên, nhiều người bày tỏ sự đồng cảm với diễn biến tâm lý của bố mẹ cậu bạn. Tuy nhiên, dân tình cũng để lại nhiều lời khuyên thiết thực về cách ứng xử của bố mẹ dành cho bạn học sinh trong trường hợp này.
Bạn Hồng Tiến chia sẻ: “Bước đường cấp 3 mới là bước đệm cho sự trường thành và hình thành con người của thế hệ tuổi dậy thì. Cháu nó học rất tốt, nhưng thiếu chút may mắn nên rơi khỏi ngôi trường mong muốn. Nhưng là cha là mẹ hãy cảm thông, động viên cháu học tốt ở ngôi trường thứ 2, không nên dùng thái độ như vậy.
Đã là ngọc ngà châu báu thì môi trường nào cũng sẽ tỏa sáng thôi. Tất nhiên xét theo về lĩnh vực đào tạo, có thể ngôi trường nguyện vọng 2 không thể bằng nguyện vọng 1 nhưng cháu nó vẫn có thể đạt thành tích tốt nếu đủ cố gắng trong kỳ thi Đại học sau 3 năm mà. Tại sao người ngoài còn động viên mà cha mẹ lại không thể với cháu?
Giờ tụi nhóc tâm lý yếu lắm, đặc biệt tuổi dậy thì. Mong bố mẹ cháu sẽ hiểu cháu hơn để cháu có thể tiếp tục phát huy bản thân mà không có những sự việc đáng tiếc có thể xảy đến”.
Phụ huynh Mây Trang để lại lời khuyên như sau: “Con cái mỗi đứa một lực học khác nhau, đứa học được, đứa thì học kém hơn, không sao hết. Kỳ vọng quá thành áp lực cho con. Tôi nghĩ học trường nào cũng nên động viên khuyến khích con theo hướng tích cực để con có động lực phấn đấu là được rồi”.
Phụ huynh Nguyễn Hoài Nam: “Đừng bắt con cái làm những điều ta chưa hoặc không làm được. Đừng đặt gánh nặng lên vai những đứa trẻ quá lớn”.