Phó Giám đốc Công an TP Hà Nội cho biết, quá trình điều tra vụ cháy chung cư mini, cơ quan chức năng đã “đưa lên bàn cân” để xử lý bởi nếu xử lý hết thì hết cán bộ.
Chiều 1/7, các đại biểu HĐND TP Hà Nội nêu ý kiến thảo luận tại tổ về đề án nâng cao năng lực và bảo đảm an toàn phòng cháy, chữa cháy, cứu nạn, cứu hộ (PCCC và CNCH) trên địa bàn Thủ đô giai đoạn đến năm 2025, định hướng năm 2030.
Thiếu tướng Nguyễn Thanh Tùng, Phó Giám đốc Công an TP Hà Nội cho biết, trước đây quy định về PCCC “thừa vẫn thừa mà thiếu vẫn thiếu và chưa có kết nối đồng bộ, thống nhất”. Vừa rồi có Luật PCCC cũng chỉ một phần. Luật này liên quan đến các bộ, ngành như Bộ Xây dựng, Bộ Công an.
Ông Tùng cho biết, thực tế các đơn vị ở địa phương áp dụng hành lang pháp luật vào quy định PCCC chỉ mang tính tức thời, chưa có sự đồng bộ liên thông. Từ cấp dự án, giấy phép xây dựng, thanh tra giám sát kiểm tra còn nhiều xin – cho, dẫn đến còn nhiều tồn tại kéo dài qua các thời kỳ…
Phó Giám đốc Công an TP Hà Nội nêu ví dụ về vi phạm trong vụ cháy nghiêm trọng tại quận Thanh Xuân khiến 56 người tử vong như “một con rết”, khi để vi phạm “bò” từ thời kỳ này qua thời kỳ khác nhưng không được xử lý.
Chung cư mini nơi xảy ra vụ cháy khiến 56 người tử vong.
“Chúng tôi điều tra, xem xét tổng thể thì thấy các sai phạm tại vụ cháy ở Thanh Xuân làm 56 người chết như một con rết. Ví dụ, trong giai đoạn đầu, sai phạm là ở chỗ để ngôi nhà này xây dựng không đúng giấy phép. Và các giai đoạn tiếp theo, khi một nhiệm kỳ cán bộ mới, nếu phát hiện ngôi nhà sai phép thì trách nhiệm là chính quyền phải triệt tiêu các sai phạm trước đó, nhưng lại không làm khiến “con rết” bò đến tận bây giờ”, ông Tùng nói thêm.
Khi hậu quả xảy ra, ông Tùng cho biết lực lượng công an sẽ điều tra, xử lý từ giai đoạn cấp phép, xây dựng đến giai đoạn quản lý về sau. Tuy nhiên, ông cho rằng nếu làm như vậy “sẽ hết cán bộ”. “Nếu như thế thì hết cán bộ, hết cả một chuỗi hệ thống chính quyền của cái phường để xảy ra sai phạm, chưa nói đến quận”, ông Tùng nói thêm.
Về thực tế PCCC hiện nay, Phó Giám đốc Công an thành phố đặt câu hỏi: Đã quy trách nhiệm, tuyên truyền ra rả nhưng người dân có thực hiện hay không? Nếu không thực hiện thì có cưỡng chế không? Ví dụ như các nhà có nhiều căn hộ, có muốn cấm người ta vào nhà cũng không được vì người dân đã mua rồi.
Thiếu tướng Nguyễn Thanh Tùng cho rằng, ban hành Đề án nâng cao năng lực và bảo đảm an toàn phòng cháy, chữa cháy, cứu nạn, cứu hộ trên địa bàn Thủ đô giai đoạn đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 là rất cần thiết.
Thiếu tướng Nguyễn Thanh Tùng – Phó Giám đốc Công an TP Hà Nội.
Đồng tình với đề án PCCC, đại biểu Nguyễn Ngọc Việt (tổ huyện Mỹ Đức) cho biết, trong bối cảnh lịch sử để lại có quá nhiều vụ cháy nghiêm trọng, Hà Nội cần thiết thông qua đề án tổng thể. Thời gian qua, mặc dù các cấp, các ngành vào cuộc nhưng qua đề án cho thấy sự vào cuộc của cả tầng lớp nhân dân.
Sau khi có đề án, không chỉ đầu tư, hạ tầng kỹ thuật, PCCC chuyên nghiêp…mà có cả toàn dân tham gia. Vì thế, cần tiếp tục làm tốt công tác tuyên truyền, ý thức trách nhiệm của nhân dân, nhất là lực lượng dân phòng, tổ chức chính trị xã hội; ngành giáo dục…
Trong thảo luận tổ, các đại biểu cũng đề nghị UBND thành phố và chính quyền địa phương tổng rà soát tới từng căn hộ, để nhận diện được từng hộ dân, từng doanh nghiệp đã có phương án PCCC hay chưa; đồng thời nâng cao ý thức về PCCC của mỗi người dân, doanh nghiệp, mỗi hộ kinh doanh. Về lâu dài cần có chiến lược từng ngôi nhà, từng khu chung cư đều phải có bảo đảm quy định về PCCC, mới giải quyết được căn cơ vấn đề.