Hàng loạt cây xanh ở TPHCM bị siết vòng sắt, đổ bêtông ở gốc Nhiều cây xanh ở một số quận tại TP HCM bị đổ bêtông bít gốc, siết vòng sắt quanh thân, ảnh hưởng đến khả năng sinh trưởng.
Hàng cây dầu cao từ 8-10 m dọc hai bên đường số 3, phường 10, quận Gò Vấp lắp khung thép giữ cây thăng bằng, chống đổ khi có gió mạnh. Mỗi cây có 4 thanh thép gắn ốc vít vào vòng sắt hình tròn. Tuy nhiên, hơn 30 cây đã bị vòng sắt này siết chặt. Một số vòng đã ăn sâu vào thân cây có đường kính khoảng 30 cm.
Bấm để lật ảnh sau/trước
Hàng cây dầu trên đường số 3 (quận Gò Vấp) bị vòng sắt của khung đỡ siết chặt, ăn vào phần thân, sáng 18/6. Ảnh: Đình Văn
Tại vị trí này, thân cây bị khô, tổn thương, bong tróc lớp vỏ ngoài. Theo người dân sống tại đây, cây xanh được lắp vòng sắt, khung cố định vài năm trước. Qua thời gian, đơn vị phụ trách không nới lỏng khiến thân cây lớn dần nhưng bị siết chặt.
Cách đó khoảng 3 km, nhiều cây xanh trên đường Phan Văn Trị, Nguyễn Thái Sơn cũng bị đổ bê tông quây kín gốc cây, không còn khoảng trống để hút nước trên mặt đường.
Bấm để lật ảnh sau/trước
Cây xanh trên đường Phan Văn Trị (quận Gò Vấp), Trần Quang Khải (quận 1) bị bịt kín bêtông, thành nơi để rác. Ảnh: Đình Văn
Trên vỉa hè, nhiều cây bị các khối bêtông, gạch ốp nén chặt khiến phần gốc bị phình to, mất cân đối. Tương tự, một số cây xanh lớn trên đường Trần Quang Khải, Đinh Tiên Hoàng (quận 1) cũng bị lắp xi măng ở gốc cây, biến thành nơi đổ rác.
Sáng 19/6, công nhân Công ty TNHH MTV Công viên cây xanh TP HCM đã dùng xà beng đục bỏ phần bêtông vây chặt gốc hàng loạt cây ở đường Nguyễn Thái Sơn. Nhiều cây bị hai tấm đan siết chặt cũng được gỡ bỏ để lấy không gian cho cây phát triển. Sau khi đập bỏ phần bêtông, các gốc cây lộ phần thân bị phình to, biến dạng do bị siết chặt lâu ngày.
Nhân viên Công ty cây xanh đục bỏ phần bêtông quanh gốc một cây xanh. Ảnh: Đình Văn
Năm ngoái, 30 gốc cây giáng hương trên Trường Sơn, quận Tân Bình cũng bị đổ bêtông bịt kín quanh gốc để ngăn nước mưa xói mòn đất quanh gốc, hạn chế người dân xả rác hoặc dẫn chó, mèo phóng uế. Việc này khiến gốc cây phát triển bất thường nên đơn vị phụ trách đã phải đập bỏ.