Phép tính 6 : 2(1 + 2) khiến triệu người phân vân không thống nhất được đáp án: 1 hay 9 mới là câu trả lời đúng?

Phép tính có vẻ như đơn giản nhưng lại khiến hàng trăm nghìn người tranh luận.

6 : 2(1 + 2) sẽ bằng 1 hay 9? Bài Toán lớp 3 tưởng chừng vô cùng đơn giản lại khiến hàng chục nghìn người lớn tranh cãi. Trên một diễn đàn, thống kê cho thấy có khoảng hơn 8000 lượt bình chọn cho rằng đáp án là 1. Không chịu thua, 7000 người khác nhất quyết chọn 9 mới là câu trả lời đúng.

Phía chọn 9 cho rằng: “Hồi còn đi học, thầy dạy là: Trong ngoặc trước, ngoài ngoặc sau, nhân chia trước, cộng trừ sau. Từ trái sang phải. Kết quả là bằng 9”.

Một người nhận định: Theo quy tắc PEMDAS – quy tắc được thống nhất trên toàn thế giới về thứ tự ưu tiên các phép tính thì trong một biểu thức, thứ tự thực hiện các phép tính sẽ là phép tính trong ngoặc, đơn giản hóa số mũ rồi thực hiện phép tính từ trái sang phải, nhân/chia rồi đến cộng/trừ. Như vậy kết quả của phép tính là: 6 : 2(1 + 2) = 6 : 2 x 3 = 3 x 3 = 9. Hoặc nếu muốn ra kết quả là đáp án 1 thì bài toán sẽ phải được sửa như sau: 6 : [2(1 + 2)] = 6 : (2 x 3) = 6 : 6 = 1.

 

Luồng ý kiến chọn 1 phản biện: “Với phép tính trên nếu ta đưa ra cách chia 6 : 2(1 + 2) = 6 : 6 = 1”.

 

Phép tính 6 : 2(1 + 2) khiến hàng chục nghìn người phân vân không thống nhất được đáp án: 1 hay 9 mới là câu trả lời đúng?- Ảnh 1.

6 : 2(1 + 2) sẽ bằng 1 hay 9? Bài Toán lớp 3 tưởng chừng vô cùng đơn giản lại khiến hàng chục nghìn người lớn tranh cãi.

Có sự nhầm lẫn là do đâu?

Trao đổi về vấn đề này, một giáo viên khẳng định: “Nguyên tắc Toán học và theo chương trình đào tạo quy định, tính phép tính trong ngoặc trước, ngoài ngoặc sau, tính lần lượt từ trái qua phải. Vậy thực hiện như sau 6 : 2 x 3 = 3 x 3 = 9”.

Đồng thời, cô cho rằng, đây là bài Toán cố tình gây tranh cãi. Khi viết 6 : 2(1 + 2), không có dấu ở giữa cũng có người hiểu 2(1 + 2) là 1 số và phải thực hiện nó trước chứ không phải theo thứ tự từ trái qua phải.

“Đây là bài kiểm tra, mà đã là bài kiểm tra thì thông thường thầy cô phải cho kiến thức và ví dụ trước sau rồi mới đến áp dụng. Cho nên trường hợp này cho chúng ta một bài học về xử lý tình huống là lắng nghe kỹ kiến thức thầy cô đã dạy để áp dụng vào bài Toán. Lời khuyên của tôi là luôn tập trung quan sát, lắng nghe và linh hoạt ứng phó tùy theo tình huống. Đó cũng là điểm nổi bật mà tôi luôn nhắc nhở khi dạy học trò mình”.

Nguồn : https://soha.vn/phep-tinh-6-21-2-khien-hang-chuc-nghin-nguoi-phan-van-khong-thong-nhat-duoc-dap-an-1-hay-9-moi-la-cau-tra-loi-dung-198240424070453279.htm