Luật sư Hoàng Anh Sơn – Trưởng Văn phòng Luật sư Hoàng Anh Sơn, thuộc Đoàn Luật sư TP. Hồ Chí Minh đã phân tích dưới góc độ pháp lý thông tin người được giới thiệu có khả năng “cầu mưa” cho TP. Hồ Chí Minh.
Gần đây, mạng xã hội lại gây xôn xao trường hợp ông Lê Minh Hoàng được Tiến sĩ Nguyễn Hoàng Điệp (Giám đốc Trung tâm Dịch thuật, Dịch vụ Văn hóa và KH-CN thuộc Liên hiệp Các Hội KH-KT Việt Nam), giới thiệu với Chi cục Thủy lợi TPHCM bởi có khả năng “cầu mưa” nhưng chưa được kiểm chứng. Thông tin này gây xôn xao dư luận thời gian qua.
Nắng nóng gay gắt diễn ra ở TP. Hồ Chí Minh những ngày qua. Ảnh: Danviet
Ngày 16/4, Công an huyện Mỹ Đức (Hà Nội) cho biết, đơn vị đã mời ông Lê Minh Hoàng (sinh năm 1967, ở xã Mỹ Thành) tới làm việc liên quan nội dung ông này được giới thiệu “cầu mưa giải hạn” cho TP. Hồ Chí Minh cũng như các tỉnh, thành phía Nam.
Qua buổi làm việc của cơ quan chức năng với ông Hoàng, người đàn ông này đã nhận lỗi về việc nói có khả năng cầu nguyện cầu mưa cho TPHCM và cầu nguyện cho cây lúa bớt đổ ngã. Ông Hoàng đã nhận sai vì đưa ra thông tin không được kiểm chứng, không có cơ sở khoa học.
Luật sư Hoàng Anh Sơn cho biết, quan điểm của cơ quan có thẩm quyền xác định việc này là vụ việc có tính chất mê tín dị đoan. Từ trường hợp này chúng ta có thể liên tưởng đến vụ cô đồng bổ cau xem bói “Đúng nhận sai cãi” vào năm 2023 cũng gây hoang mang dư luận một thời gian dài.
Pháp luật Việt Nam hiện nay không quy định một khái niệm cụ thể thế nào là mê tín dị đoan. Tuy nhiên, có thể hiểu mê tín, dị đoan là tin tưởng một cách mê muội vào một điều không có căn cứ, không có cơ sở khoa học, không đúng thực tế, trái ngược với quy luật tự nhiên.
Về xử phạt hành chính
Theo Điểm đ, Điều 14, Nghị định 38/2021/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực văn hóa và quảng cáo, xử phạt hành chính đối với hoạt động mê tín dị đoan như sau:
Phạt tiền từ 15.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng đối với hành vi tổ chức hoạt động mê tín dị đoan.
Ngoài ra, tại Điểm a, Khoản 2 và Khoản 4 Điều 15 Nghị định 158/2013/NĐ-CP quy định phạt tiền từ 3.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng đối với hành vi lợi dụng hoạt động lên đồng, xem bói, gọi hồn, xin xăm, xóc thẻ, yểm bùa, phù chú, truyền bá sấm trạng và các hình thức tương tự khác để trục lợi.
Người vi phạm có thể bị áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả là buộc nộp lại số lợi bất hợp pháp có được từ hành vi nêu trên.
Như vậy, người này có thể bị xử phạt từ 15 đến 20 triệu đối với hành vi tổ chức hoạt động mê tín dị đoan, nếu phát hiện người này lợi dụng việc này để trục lợi thì có thể bị phạt từ 3 đến 5 triệu.
Về xử lý hình sự
Bên cạnh đó, qua quá trình điều tra xác minh, nếu phát hiện hành vi này có dấu hiệu hình sự, người phạm tội còn có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự nếu người vi phạm gây hậu quả nghiêm trọng, đã bị xử lý hành chính về hành vi này hoặc đã bị kết án về tội này chưa được xóa án tích mà còn vi phạm.
Theo Điều 320, Bộ luật Hình sự 2015, sửa đổi bổ sung 2017 quy định về tội hành nghề mê tín dị đoan như sau:
“Người nào dùng bói toán, đồng bóng hoặc các hình thức mê tín, dị đoan khác đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi này hoặc đã bị kết án về tội này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm, thì bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm.
Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 03 năm đến 10 năm:
Làm chết người;
Thu lợi bất chính 200.000.000 đồng trở lên;
Gây ảnh hưởng xấu đến an ninh, trật tự, an toàn xã hội.
Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng”.
LS. Hoàng Anh Sơn cũng cho biết, trường hợp người phạm tội có dấu hiệu dùng việc hành nghề mê tín dị đoan lừa đảo nhằm chiếm đoạt tài sản của người khác thì có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Khung hình phạt cao nhất của tội danh này là tù chung thân.
Link bài gốc: https://danviet.vn/khung-hinh-phat-cho-nguoi-duoc-gioi-thieu-co-kha-nang-cau-mua-cho-tp-ho-chi-minh-20240418223106333.htm
Xem thêm: Người tự nhận có khả năng “cầu mưa” cho TPHCM: Người dân thôn Phú Khuê nói gì?
Gia cảnh đặc biệt khó khăn, hiền lành, dễ gần,… là những gì người dân nơi đây nhận xét về ông Lê Minh Hoàng – người tự nói có khả năng \’cầu mưa\’ cho TP.HCM. Gia cảnh khốn khó
Căn nhà cấp 4 của ông Hoàng
Tìm về thôn Phú Khuê (xã Bột Xuyên, huyện Mỹ Đức, TP Hà Nội) trong một buổi chiều nắng hạ, khi hỏi về ông Lê Minh Hoàng – người nói có khả năng “cầu mưa” cho TP. HCM và các tỉnh phía Nam thì dường như ai nấy cũng đều biết đến.
Trong căn nhà cấp 4 dột nát, xập xệ, chẳng có gì đáng giá ngoài chiếc bếp gas, ông Lê Minh Hoàng (1967) đang chuẩn bị đi làm.
Ngôi nhà xuống cấp thậm tệ do nhiều năm chưa được tu sửa
Nhiều năm về trước, đây từng là buồng ngủ của vợ chồng ông Hoàng
Chia sẻ với chúng tôi, ông Hoàng cho biết công việc chính của ông là làm thợ mộc. Tuy nhiên, thu nhập cũng chỉ đủ trang trải cho cuộc sống.
“Con trai tôi một đứa năm nay 20 tuổi đang đi học đại học, một đứa thì 27 tuổi đang học lấy bằng thạc sĩ. Tiền tôi kiếm được bao nhiêu thì lo cho các con và chi tiêu sinh hoạt trong gia đình hết nên cũng không tích góp được ít nào”- ông Hoàng tâm sự.
Nơi làm việc của ông Lê Minh Hoàng
Cũng chính bởi vì lẽ đó, nhiều năm gần đây, căn nhà của ông Hoàng ngày càng xuống cấp nhưng vẫn chưa được tu sửa. “Tôi nhiều lần cũng muốn tu sửa lại căn nhà nhưng chi phí tốn kém, tôi không có tiền nên đành ở tạm” – ông Hoàng nói.
Khả năng đặc biệt?
Ông Lê Minh Hoàng
Khi được hỏi về khả năng “cầu mưa”, ông Hoàng cho biết, năm 2000 ông nhận thấy bản thân có khả năng đặc biệt này nhưng mãi đến năm 2004 mới rõ.
Sau đó, ông Hoàng nghiên cứu ở Mộc Châu một thời gian rồi trở về Hà Nội nghiên cứu tiếp khả năng đặc biệt của bản thân.
“Tôi từng đi cầu nguyện xin mưa ở nhiều nơi: Năm 2013 tôi đi vào Quảng Nam (Đà Nẵng); năm 2015 tôi vào Lâm Đồng; rồi đến năm 2019 vào Bến Tre. Mỗi lần đi, tôi đều tự kiểm định về kết quả của bản thân” – ông Hoàng chia sẻ.
Thế nhưng những năm gần đây, ông Hoàng mới biết cần phải có giấy xác nhận cấp phép về khả năng đặc biệt này. Qua tìm hiểu, ông Hoàng được một số người hướng dẫn nộp đơn để xin cấp phép về khả năng cầu nguyện xin mưa.
“Họ bảo tôi phải lập lên 1 cái đề tài xong trình lên Nhà nước, khi được Nhà nước phê duyệt thì tôi đi đâu cũng thuận tiện. Sau đó, tôi có gửi đơn lên cơ quan có thẩm quyền để xin được cấp phép nhưng không được.
Giờ không có giấy tờ, tôi đi vu vơ như này dễ khiến mọi người hiểu lầm, tưởng tôi đi truyền bá trái pháp luật” – ông Hoàng chia sẻ.
Ông Hoàng cũng cho hay: “Khoảng thời gian gần đây, tôi có đến nhờ TS Nguyễn Hoàng Điệp (Giám đốc Trung tâm Dịch thuật, Dịch vụ Văn hóa và Khoa học-Công nghệ thuộc Liên hiệp Các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam) thì được giới thiệu với Chi cục Thủy lợi TP HCM. Tuy nhiên, do chưa được kiểm chứng nên những đề xuất trong thời gian qua của tôi không được chấp nhận”.
Người dân địa phương nói gì về khả năng cầu nguyện xin mưa của ông Lê Minh Hoàng?
Bà Xoa (65 tuổi), một người dân thôn Phú Khuê cho biết, ông Hoàng hiền lành, dễ gần nhưng có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn.
Khi được hỏi về khả năng cầu nguyện xin mưa của ông Hoàng thì người phụ nữ này cho rằng bà từng được nghe kể nhưng chưa thấy người đàn ông này cầu nguyện xin mưa bao giờ.
Ông Lê Đình Luận (70 tuổi, anh trai ruột của ông Lê Minh Hoàng) chia sẻ, ông Hoàng trước có nghiên cứu ở trên Mộc Châu một thời gian rồi về Hà Nội làm việc.
“Em trai tôi thi thoảng có đi mấy hôm mới về nhưng tôi không rõ đi đâu. Tôi cũng không biết Hoàng có khả năng cầu nguyện xin mưa được không, nhưng nếu cầu nguyện được thì đó là điều tốt, giúp ích cho mọi người”- ông Luận cho hay.
Chêm lời, vợ ông Luận cho biết, ông Hoàng là một người tính tình thoải mái, hiền lành và thường hay giúp đỡ mọi người.
Trao đổi với chúng tôi, một số hộ dân gần nhà ông Hoàng lại cho hay không biết về khả năng cầu nguyện xin mưa của người đàn ông thợ mộc này.
Trước đó, cư dân mạng xôn xao về văn bản của TS Nguyễn Hoàng Điệp (Giám đốc Trung tâm Dịch thuật, Dịch vụ văn hóa và Khoa học – công nghệ thuộc Liên hiệp các Hiệp hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam) ký giới thiệu “người có khả năng cầu mưa nhưng chưa kiểm chứng” gửi đến Chi cục Thủy lợi TPHCM.
Sau đó, Công an huyện Mỹ Đức (Hà Nội) đã mời ông Lê Minh Hoàng lên làm việc vì liên quan nội dung trên.
Qua buổi làm việc của cơ quan chức năng với ông Hoàng, người đàn ông thợ mộc đã nhận lỗi về việc nói có khả năng cầu nguyện cầu mưa cho TP. HCM và cầu nguyện cho cây lúa bớt đổ ngã.
Theo đó, ông Hoàng đã nhận sai vì đưa ra thông tin không được kiểm chứng, không có cơ sở khoa học.
https://phunuvietnam.vn/nguoi-tu-nhan-co-kha-nang-cau-mua-cho-tphcm-nguoi-dan-thon-phu-khue-noi-gi-2024041809073351.htm