Trong văn hóa ứng xử của người Việt, việc rửa bát vẫn là một vấn đề gây nhiều tranh luận.
Trong quan niệm truyền thống rửa bát nấu nướng là công việc của phụ nữ, thể hiện nữ công gia chánh. Nhưng thực tế nhiều gia đình đẩy hết việc nhà cho phụ nữ, trong khi phụ nữ thời nay đã làm nhiều việc xã hội không kém gì nam giới. Nhiều cô gái khi ra mắt, khi làm khách nhà bạn trai, khi mới về làm dâu phải rửa một loạt bát đĩa trong khi những người khác như chồng, chị em chồng ngồi trà nước thảnh thơi.
Đã có không ít bức xúc, tranh luận xoay quanh cách ứng xử này. Người mẹ hiện đại ngày nay nhắc nhở con gái đừng vội vào rửa bát trong lần đầu ra mắt bởi khi đó mình là khách, xem gia đình chồng tương lai đối xử với khách thế nào.
Lần đầu làm khách nhà bạn trai đừng vội rửa vì sao?
Trong quan niệm từ thời xa xưa, ông bà đã coi trọng lễ nghĩa. Lần đầu ra mắt nhà bạn trai nghĩa là bạn là khách nhà họ, chưa chắc sẽ thành dâu con. Trong quan niệm từ xa xưa ông bà đã từng dạy làm khách thì không nên rửa bát vào bếp. Bởi khách thì nên có khoảng cách lịch thiệp trong ứng xử, không nên xuề xòa, qua quýt, xuống giá, cũng không nên tỏ ra xa lạ khách sáo quá thì không thân thiện.
Việc rửa bát từ xa xưa tới nay đều là việc tế nhị, đó là việc dọn dẹp được cho là của người nội trợ trong gia đình hoặc là của người giúp việc. Trong gia đình quyền thế thì giúp việc mới rửa bát. Do đó ngay lần đầu ra mắt đã vào rửa bát là hạ thấp bản thân mình. Và điều đó có thể tạo thành “nếp” nghĩ quen trong gia đình bạn trai rằng vị trí đó sẽ là của nàng dâu. Do đó lần đầu làm khách nhà bạn trai con gái không có nghĩa vụ rửa bát. Nếu gia đình bạn trai vội đánh giá việc đó thì nên xem xét lại tư duy suy nghĩ của họ.
Còn nếu gia đình bạn trai để cô gái rửa bát thì cũng nên xem lại cách ứng xử, một là họ quá xuề xòa, hai là họ coi con dâu tương lai phải trách nhiệm làm hết việc nhà, dùng việc nhà để đánh giá nàng dâu. Do đó cô gái đừng vội vàng cho mình vào vị trí rửa bát mà hãy quan sát để tùy tình huống ứng xử hợp lý linh hoạt.
Tuyệt đối không rửa bát một mình
Nếu đi làm khách mà đã phải rửa bát một mình, trong khi bạn trai, chị em nhà chồng ngồi uống nước thì việc này càng phải xem xét lại mối quan hệ đó. Trong hoàn cảnh đó mà cô gái nhận đi rửa bát và những người chủ nhà để cô rửa một mình thì chứng tỏ họ không coi trọng cô và nếp sống đó ích kỷ. Mối quan hệ đó nên xem xét lại, và cô gái nên tự chủ động xử lý không nên nhẫn nhịn chịu cảnh đó.
Nên ứng xử sao cho hợp lý?
Nếu gia đình bạn trai yêu mến cô gái và là người thấu đáo thì sẽ không để cô gái rửa bát ngay từ lần đầu gặp gỡ, càng tuyệt đối không để cô phải làm một mình. Đặc biệt người bạn trai phải hiểu điều đó nếu không sau này anh ta cũng là một người chồng vô tâm và gia trưởng.
Nếu cô gái là người đã qua lại thân thiết thì có thể cùng vào rửa bát, cùng nấu nướng. Nếu lần đầu về ra mắt mà gia đình lại đang làm tiệc đãi cỗ đông người thì cô gái nên cùng làm chung tránh việc ngồi đợi ăn.
Nếu gia đình chỉ có bố mẹ và bạn trai thì cô gái có thể vào rửa bát vì đó là hỗ trợ người lớn tuổi nhưng hoàn cảnh đó thì người bạn trai cũng phải cùng làm mới tinh tế. Người xưa dạy con cháu không kiêu ngạo nhưng cũng đừng quá xuề xòa trong ứng xử, không làm cao nhưng cũng phải giữ tự tôn của bản thân.
Ngược lại ở phía gia đình nhà trai, nếu không chú ý ứng xử thì đôi khi chỉ vì việc rửa bát này là mất đi một cô con dâu tương lai. Nhiều người cho rằng các cô gái xác định sẽ làm dâu nhà họ thì lần đầu về ra mắt, ăn xong nên nhanh nhẩu dọn dẹp thì được đánh giá là biết điều, còn nếu không thì sẽ bị cho là không có giáo dưỡng. Nhưng sự thực là khi lần đầu ra mắt thì mới là khách, cả đôi bên đang cần hiểu nhau và cô gái còn đang là khách mà khách thì không cần rửa bát cho gia chủ. Do đó cả chủ và khách đều nên chú ý linh hoạt trong việc này tránh vì chuyện rửa bát mà đổ vỡ một mối quan hệ.
*Thông tin mang tính tham khảo
Nguồn : https://www.giaitri.thoibaovhnt.com.vn/me-dan-con-gai-lan-dau-ra-mat-nha-ban-trai-dung-voi-rua-bat-tuyet-doi-khong-rua-mot-minh-vi-sao-788714.html