Vì sao bệnh sởi có nguy cơ bùng phát mạnh?
Bộ Y tế cảnh báo nguy cơ bùng phát sởi do số ca mắc toàn cầu tăng lên và tỷ lệ tiêm chủng trong nước giảm, yêu cầu tăng phòng bệnh, tiêm vaccine.
Thống kê của Bộ Y tế đến ngày 20/3, 13 tỉnh, thành ghi nhận 42 ca mắc bệnh sởi và sốt phát ban nghi sởi, không có ổ dịch tập trung. Cơ quan này cũng dẫn thông tin từ Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) cảnh báo số ca mắc sởi tăng trên toàn cầu và tỷ lệ tiêm chủng giảm tại Việt Nam do Covid-19 và gián đoạn cung ứng vaccine, khuyến cáo nguy cơ bùng phát dịch sởi có thể xảy ra.
Trước thông tin này, PGS.TS Trần Đắc Phu, nguyên Cục trưởng Cục Y tế dự phòng, Cố vấn cao cấp Trung tâm Đáp ứng khẩn cấp sự kiện y tế công cộng Việt Nam (Bộ Y tế), cho biết dịch sởi có nguy cơ bùng phát theo chu kỳ mỗi 5 năm, hiện nay đã đúng vào chu kỳ dịch này. Việc tỷ lệ tiêm chủng giảm có thể khiến cho số người có nguy cơ mắc bệnh tích lũy rất lớn, dẫn đến khả năng cao bùng phát dịch trong năm nay.
Ông phân tích một năm Việt Nam có khoảng 1,7 triệu trẻ sinh ra, nếu tỷ lệ tiêm chủng vaccine sởi đạt 90-95%, vẫn có 5-10% trẻ không được tiêm vaccine, và tích lũy sau 4-5 năm sẽ có khoảng 50% tương đương 850.000 trẻ có nguy cơ mắc sởi. Số này có thể lây lan cho nhóm chưa đến tuổi tiêm chủng và chưa có miễn dịch với bệnh. Hai chu kỳ gần nhất là 2019 và 2014, cả nước đều ghi nhận số ca mắc sởi tăng cao, riêng năm 2014 có hơn 110 trẻ tử vong.
Vì vậy, PGS Phu khuyến cáo trẻ em và người lớn cần tiêm vaccine đầy đủ để phòng sởi. Còn Cục Y tế dự phòng, Bộ Y tế cũng yêu cầu các tỉnh, thành tăng giám sát, phát hiện, xử lý triệt để các ổ dịch; vận động người dân tiêm chủng đầy đủ và đúng lịch, rà soát tiêm bù, tiêm vét cho những trẻ chưa tiêm vaccine nhằm giảm thiểu nguy cơ bùng phát dịch.
Ảnh minh họa trẻ em mắc sởi. Ảnh: Trạm Y tế xã Phạm Văn Hai
Giải thích thêm về bệnh, PGS Phu cho biết sởi lây lan rất nhanh và mạnh, ước tính 90-100% người chưa có miễn dịch tiếp xúc với nguồn bệnh có thể bị lây, ví dụ đi qua đầu giường của bệnh nhân sởi. “Một người mắc sởi có thể lây cho 12-18 người không có miễn dịch”, ông nói
Trước thời kỳ có tiêm chủng, sởi gây dịch lưu hành rộng rãi ở mọi nơi trên thế giới, hơn 90% người trước 20 tuổi đều mắc bệnh. Ước tính hàng năm khoảng 100 triệu trường hợp mắc và 6 triệu người tử vong do sởi. Nhờ áp dụng tiêm chủng sởi rộng rãi, số ca mắc sởi đã giảm đi rõ rệt. Tuy nhiên, mầm bệnh vẫn còn lưu hành trong cộng đồng và có thể gây dịch khi tỷ lệ tiêm chủng sụt giảm.
Bác sĩ Bạch Thị Chính, Giám đốc Y khoa Hệ thống tiêm chủng VNVC, cho biết sởi có thể xuất hiện ở mọi đối tượng, song thường gặp ở trẻ nhỏ dưới 5 tuổi. Thời gian ủ bệnh từ 12-14 ngày, có thể kéo dài đến 21 ngày. Bệnh có triệu chứng đặc trưng như sốt, ho, chảy nước mắt, mũi, phát ban…
Sởi có thể bội nhiễm với các vi khuẩn khác và biến chứng như viêm các vị trí tai giữa, xoang, phổi, phế quản, màng não; tiêu chảy, khô loét giác mạc mắt… Trong đó, viêm phổi là nguyên nhân gây tử vong phổ biến nhất của sởi. Theo Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật (CDC) Mỹ, cứ 20 trẻ nhiễm sởi thì có một trẻ mắc viêm phổi, xảy ra khi đang mắc sởi hoặc sau khi khỏi từ một đến hai tuần. Ở thai phụ, bệnh có thể biến chứng như viêm phổi, viêm đường tiết niệu, ảnh hưởng cung cấp oxy cho thai nhi, gây suy thai, sảy thai và tăng nguy cơ tử vong cho mẹ.
Theo bác sĩ Chính, vaccine có thành phần sởi có trong chương trình tiêm chủng mở rộng, được tiêm từ 9 tháng tuổi. Trong đó, loại phối hợp sởi – quai bị – rubella giúp phòng 3 bệnh trong một mũi, khi dùng hai mũi có hiệu quả ngăn sởi đến 97%. Vì vậy, phụ nữ có kế hoạch mang thai nên hoàn thành phác đồ chủng ngừa trước 3 tháng để bảo vệ mẹ và truyền kháng thể cho con khi sinh ra.
Trẻ nhỏ tiêm vaccine phòng bệnh tại VNVC. Ảnh: Mộc Thảo
Bác sĩ Chính lưu ý người mắc sởi có khả năng lây bệnh cho cộng đồng từ 5 ngày trước cho đến 5 ngày sau khi phát ban, cần cách ly. Bệnh nhân tuân thủ chế độ ăn uống lành mạnh, đầy đủ dưỡng chất, tăng ăn rau xanh, trái cây nhiều vitamin C và uống nhiều nước. Khi sốt từ 38,5 độ trở lên, người bệnh có thể dùng thuốc hạ sốt, chườm ấm.
Mọi người nên hạn chế tiếp xúc với người bệnh, đeo khẩu trang, rửa tay thường xuyên bằng xà phòng nhất là khi chăm sóc trẻ. Trẻ còn bú mẹ vẫn tiếp tục cho bú và ăn thức ăn mềm, dễ tiêu, nấu chín kỹ, chia làm nhiều bữa nhỏ trong ngày. Gia đình giữ nhà cửa thông thoáng, khử trùng thường xuyên và làm sạch đồ chơi trẻ em, dụng cụ, vật dụng của người bệnh bằng dung dịch cloramin B.
Ngoài ra, nếu trẻ có các dấu hiệu của bệnh sởi như ho, sốt, chảy nước mũi, phát ban, cần cách ly và đưa đến các cơ sở y tế gần nhất để được thăm khám, tư vấn điều trị kịp thời. Mọi người không nên đưa trẻ đi điều trị vượt tuyến khi không cần thiết để tránh quá tải và lây nhiễm chéo trong bệnh viện. Trẻ chưa đủ tuổi tiêm chủng cần hạn chế đến những nơi có dịch hoặc tập trung đông người. Người chăm sóc trẻ cần thường xuyên rửa tay bằng xà phòng trước khi bế ẵm, chơi cùng trẻ.