Nhiều vi phạm về tài chính tại Trường Khương Hạ
Theo tài liệu phóng viên Dân Việt có được, tháng 10/2024 Đoàn kiểm tra của Sở GDĐT Hà Nội đã chỉ ra nhiều vi phạm trong công tác quản lý nhân sự, quản lý học sinh và đặc biệt là công tác quản lý tài chính, tài sản… tại Trường Tiểu học, Trung học cơ sở và Trung học phổ thông Khương Hạ (Trường Khương Hạ).
Cụ thể một số nội dung, nhà trường cho Công ty Trường Hải thuê một số phòng không đúng quy định, buông lỏng quản lý không theo dõi đối với các khoản thu từ nguồn khai thác cơ sở vật chất, nhà trường không cung cấp đủ hồ sơ về khoản thu tiền học các câu lạc bộ và hồ sơ công khai các khoản thu theo quy định…
Về nội dung vi phạm tài chính, trách nhiệm chính thuộc Hiệu trưởng, Phó Hiệu trưởng phụ trách cơ sở vật chất, Kế toán.
Theo yêu cầu của Đoàn Kiểm tra, Hiệu trưởng Nhà trường phải khắc phục các hạn chế, sai phạm nêu trên. Xác định cụ thể số tiết thực dạy của cán bộ quản lý, giáo viên trong 03 năm để thực hiện chi trả tiền làm thêm giờ đảm bảo đúng quy định. Rà soát lại việc thực hiện thu, chi, công khai đối với tất cả các khoản thu từ gia đình học sinh; các khoản thu từ việc khai thác cơ sở vật chất. Tập hợp đầy đủ hồ sơ đảm bảo đúng quy định. Nộp trả tiền phụ cấp ưu đãi do không thực hiện giảng dạy đủ số tiết định mức theo quy định.
Đồng thời, tổng hợp số tiền thu từ dạy thêm, học thêm, liên kết dạy học ngoại ngữ, tổ chức các câu lạc bộ, dạy kỹ năng sống trong 02 năm học (2022-2023, 2023- 2024), trả lại người học số tiền đã thu trái quy định. Tổng hợp toàn bộ số tiền đã thu được từ việc cho thuê, khai thác cơ sở vật chất không đúng quy định nộp ngân sách nhà nước. Nghiêm túc kiểm điểm trách nhiệm người đứng đầu trong việc để xảy ra sai phạm trong việc triển khai các hoạt động trong nhà trường nêu trên, đặc biệt trong công tác quản lý tài chính, tài sản.
Tuy nhiên, đến nay, sau 9 tháng việc khắc phục các vi phạm vẫn chưa thể hoàn tất. Trái lại, biện pháp nhà trường chọn để giải quyết hậu quả từ công tác quản lý tài chính là… trừ lương giáo viên.Trường Tiểu học, Trung học cơ sở và Trung học phổ thông Khương Hạ. Ảnh: Nguyễn Hải
Trước khi có kết luận thanh tra khu nhà B của trường Khương Hạ trở thành trụ sở làm việc, nơi ăn ở của một công ty. Ảnh: GVCC
Ngày 16/6/2025, Sở GD&ĐT Hà Nội tiếp tục ra văn bản lần thứ 3 yêu cầu trường Khương Hạ khẩn trương thực hiện các biện pháp khắc phục sai phạm.
Văn bản nêu rõ, Hiệu trưởng Nguyễn Phương Liên chịu trách nhiệm trong việc thực hiện biện pháp khắc phục: Truy thu 289,8 triệu đồng tiền chi trả lương dạy thêm giờ sai quy định; Trả lại học sinh hơn 6,6 tỷ đồng từ khoản thu dạy thêm học thêm vượt định mức 7.000 đồng/tiết trong 2 năm học 2022–2023 và 2023–2024; Trả lại gần 2 tỷ đồng thu từ tổ chức các câu lạc bộ học sinh; Nộp về ngân sách hơn 1,3 tỷ đồng từ việc cho thuê, khai thác cơ sở vật chất sai quy định.
Cũng trong văn bản này, Sở GD&ĐT nêu: Khi thực hiện các kết luận của đoàn kiểm tra, đơn vị không thực hiện dứt điểm, kịp thời đúng quy định những nội dung đã kết luận từ 25/10/2024 gây nên những khó khăn cho Phòng Kế hoạch – Tài chính trong việc giám sát đơn vị thực hiện các kết luận sau thanh tra.
Đến ngày 23/6, Trường liên cấp Khương Hạ phát hành văn bản chính thức tới toàn thể giáo viên, thông báo truy thu hai khoản chi trong ba năm học 2021–2022, 2022–2023 và 2023–2024.
Khoản thứ nhất: tiền lương dạy thêm giờ của những tiết không có trong quy định (gồm tiết hoạt động giáo dục khác và tiết coi kiểm tra chung), thời gian truy thu kéo dài 12 tháng (từ tháng 7/2025 đến tháng 6/2026).
Khoản thứ hai: tiền phúc lợi đã chi từ nguồn khai thác cơ sở vật chất, truy thu trong vòng 24 tháng (từ tháng 7/2025 đến tháng 6/2027).
Giáo viên phản đối
Theo phản ánh của giáo viên, vào khoảng tháng 5/2025, Ban giám hiệu nhà trường đã tổ chức cuộc họp để lấy ý kiến về việc truy thu các khoản chi sai quy định bằng cách trừ thẳng vào lương của giáo viên. Tuy nhiên, nhiều giáo viên trong cuộc họp đã phản đối với phương án này. Dù vậy, đến kỳ chi trả lương tháng 7/2025, lương của giáo viên tại trường vẫn bị trừ đồng loạt.
Cô Hồ Thị Xuân Thu, một giáo viên trong trường cho biết: “Tôi được Sở GD&ĐT Hà Nội phê duyệt mức lương quý III là 12,932 triệu đồng, sau khi đóng bảo hiểm xã hội lẽ ra được nhận khoảng 11,8 triệu đồng. Nhưng nhà trường chỉ chuyển vào tài khoản cá nhân của tôi hơn 7 triệu đồng, còn thiếu gần 4 triệu đồng”.
Tương tự, một giáo viên khác cũng bị trừ lương hơn 2,3 triệu đồng trong tháng 7/2025.
Ngay sau khi phát hiện tiền lương tháng 7/2025 bị trừ, các tổ chuyên môn 1, 2, 3 (Trường Khương Hạ có 4 tổ chuyên môn) đã tổ chức họp trực tuyến và lập biên bản kiến nghị gửi Ban giám hiệu nhà trường. Trong đó, các tổ giáo viên yêu cầu làm rõ cơ sở pháp lý của việc trừ tiền lương, đề nghị nhà trường họp Hội đồng sư phạm để đối thoại công khai với giáo viên và minh bạch toàn bộ phương án truy thu.
“Chúng tôi yêu cầu nhà trường họp hội đồng để làm rõ nguyên nhân, lý do vì sao giáo viên bị trả thiếu lương, căn cứ pháp lý nào cho việc này; đồng thời đề nghị trả đủ lương cơ bản tháng 7/2025 và thanh toán đầy đủ tiền dạy thừa giờ năm học 2024–2025” – cô giáo Thu nói.
“Chúng tôi không đồng ý với việc nhà trường tự ý trừ lương giáo viên để khắc phục vi phạm. Giáo viên không sai phạm, không vi phạm pháp luật – không thể bị buộc gánh trách nhiệm thay cho những sai sót của lãnh đạo nhà trường” – một ý kiến khác nhấn mạnh.
Theo các giáo viên, trước khi có kết luận của thanh tra một tháng, họ nhận được các khoản như: tiền hỗ trợ dịch Covid, tiền chậm lương, tiền hỗ trợ hè các năm học 2021–2022, 2022–2023, 2023–2024 – và những khoản này đều từ quỹ phúc lợi theo quy định chứ không phải từ nguồn thu cho thuê cơ sở vật chất của nhà trường.
Một giáo viên khác đặt vấn đề: “Nếu các khoản hỗ trợ trong bốn năm qua được chi từ nguồn tiết kiệm chi (quỹ hỗ trợ của nhà trường), thì tiền cho thuê cơ sở vật chất đã được sử dụng vào mục đích gì? Chúng tôi đề nghị nhà trường công khai minh chứng thu – chi của nguồn tiết kiệm chi”.
Đáng chú ý, theo tài liệu, Sở GD&ĐT Hà Nội đã phê duyệt tiền lương quý III (tháng 7, 8, 9/2025) cho giáo viên Trường Khương Hạ mà không có nội dung khấu trừ. Lương thưởng của các cô giáo vẫn được giữ nguyên theo quy định.
Một phụ huynh (xin được giấu tên) chia sẻ, họ vẫn đang chờ nhà trường hoàn trả số tiền đã thu sai quy định trong hoạt động dạy thêm học thêm. Cụ thể, mức thu theo quy định là 7.000 đồng/tiết nhưng thực tế nhà trường thu tới 20.000 đồng/tiết, cao gấp hơn hai lần.
“Chúng tôi mong nhà trường sớm khắc phục xong những sai phạm để phụ huynh yên tâm, học sinh được tập trung vào việc học. Tôi nghe nói các cô giáo đã bị nhà trường trừ lương để khắc phục sai phạm nhưng hiện nay tôi vẫn chưa nhận được bất cứ đồng nào từ phía nhà trường. Số tiền nhà trường trừ lương của giáo viên giờ đang ở đâu?” – phụ huynh thắc mắc.
Khấu trừ lương người không vi phạm là hành vi trái pháp luật
Trao đổi với phóng viên Dân Việt, luật sư Hoàng Văn Hà – công ty luật ARC Hà Nội cho biết, việc trừ lương, thưởng hoặc các khoản thu nhập của giáo viên khi họ không hề có hành vi vi phạm là không có căn cứ pháp lý, vi phạm trực tiếp các quy định về: Quyền tài sản hợp pháp của viên chức; Nguyên tắc xử lý trách nhiệm cá nhân trong quản lý tài chính công; Trách nhiệm hoàn trả trong thi hành công vụ.
Khoản 1 Điều 2 Luật Viên chức 2010 (sửa đổi, bổ sung năm 2019) nêu: “Viên chức là công dân Việt Nam được tuyển dụng theo vị trí việc làm, làm việc trong đơn vị sự nghiệp công lập theo chế độ hợp đồng làm việc, hưởng lương từ quỹ lương của đơn vị sự nghiệp công lập theo quy định của pháp luật.”
“Đây là quyền cá nhân, không ai có quyền xâm phạm nếu không có căn cứ pháp luật rõ ràng”, luật sư Hà nói.
Luật sư Hà trích dẫn luật và nhấn mạnh chỉ người trực tiếp sai phạm mới phải chịu trách nhiệm, không được phân bổ trách nhiệm tài chính cho người không vi phạm. Theo đó, tại Điều 52 Luật Viên chức 2010 (sửa đổi 2019) quy định: “Viên chức gây thiệt hại trong khi thi hành công vụ thì phải bồi thường theo quy định của pháp luật”.
Điều 64 Luật Trách nhiệm bồi thường của Nhà nước 2017 cũng nêu: “Người thi hành công vụ gây thiệt hại phải hoàn trả cho cơ quan trực tiếp quản lý, tùy theo mức độ lỗi của mình.”
“Ở vụ việc này đã có dấu hiệu của hành vi lạm quyền nếu cố tình áp dụng sai. Nếu lợi dụng chức vụ để ra quyết định truy thu sai phạm bằng cách khấu trừ lương giáo viên không liên quan, hành vi này có thể bị xem xét: Kỷ luật, cách chức hoặc buộc thôi việc theo Luật Viên chức 2010. Thậm chí có thể xử lý hình sự theo Điều 356 Bộ luật Hình sự 2015 (sửa đổi 2017) nếu gây hậu quả nghiêm trọng (tội “Lạm dụng chức vụ, quyền hạn trong thi hành công vụ”)”- luật sư Hà phân tích.
Báo điện tử Dân Việt sẽ tiếp tục thông tin về vụ việc này!
Liên quan đến việc khắc phục hậu quả theo Thông báo kết quả kiểm tra của Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội, chiều 23/7 PV Dân Việt đã liên lạc điện thoại với bà Nguyễn Phương Liên – Hiệu trưởng Trường liên cấp Khương Hạ. Bà Liên từ chối trả lời: “Những nội dung này, chúng tôi đang làm việc với Sở rồi. Có gì các anh gọi lên Sở để nắm thêm”. Về phản ánh nhà trường trừ lương giáo viên để khắc phục hậu quả, bà Liên cho rằng việc này được thực hiện “đúng quy định pháp luật”.
Khi phóng viên đề nghị đặt lịch làm việc để làm rõ một số nội dung, bà hiệu trưởng từ chối: “Chúng tôi không làm việc. Nếu anh xin được giấy giới thiệu của Sở thì chúng tôi sẽ làm việc”.
Phóng viên cũng đã gọi điện cho lãnh đạo Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội, tuy nhiên chưa nhận được phản hồi. Được biết, lãnh đạo Sở GD&ĐT Hà Nội sẽ gặp các giáo viên Trường Khương Hạ để nghe các kiến nghị liên quan đến vụ việc.