Những con lợn không thể đứng vững, da sần sùi tím tái được kéo lê vào lò mổ, xẻ thịt rồi xuất hiện tại các sạp thịt tươi ở chợ đầu mối.

Từ lò mổ đến chợ đầu mối vùng ven Hà Nội lúc rạng sáng
Ngay trong đêm, phóng viên Lao Động đã thâm nhập vào các lò mổ tại khu vực cầu Ve và chợ đầu mối Hải Bối (Hà Nội). Từ đây, hé lộ một quy trình giết mổ rùng rợn và đường đi của thịt lợn có dấu hiệu nhiễm bệnh – thứ thực phẩm đang được tiêu thụ công khai mỗi ngày.
Khi đồng hồ chỉ 2 giờ sáng, dưới làn mưa rào dày đặc của một đêm đầu tháng 7, nhóm phóng viên Báo Lao Động quay lại lò mổ nhà ông Em – nơi ban ngày vắng lặng và đêm đến lại nhộn nhịp lạ kỳ.
Cả con ngõ nhỏ giáp cầu Ve bỗng chốc bừng sáng bởi ánh đèn pha, tiếng động cơ, tiếng người í ới gọi nhau giữa dòng xe tải, xe máy, xe ba gác chuyên chở lợn và thịt.


Không như vẻ êm đềm ban sáng, bên trong lò mổ là một khung cảnh hỗn độn, hàng chục người tất bật lóc thịt, giết mổ, kéo lê xác lợn trên nền đất đẫm nước và máu. Từng tảng thịt được xẻ ngay trên sàn nhà dơ bẩn, giữa mùi tanh nồng và thứ ánh sáng lập lòe từ bóng điện cũ.
Điều gây ám ảnh là những con lợn nái có dấu hiệu bệnh tật, từng được phóng viên theo dõi từ chiều hôm trước, lúc này lần lượt được chủ lò mổ mang thịt.


Nhiều con yếu đến mức không thể cựa quậy, bị lôi xềnh xệch trong im lặng. Một vài con, mới chiều còn thở thoi thóp, giờ đã nằm bất động với lớp da tím tái, chi chít vết đỏ.

Mỗi lần một con vật gục xuống, phần nội tạng lập tức bị moi ra, vứt vương vãi rồi được gom lại cho vào túi nilon. Tất cả đều không có dấu hiệu kiểm soát vệ sinh.
Cái chết lặng lẽ của những con lợn bệnh dường như chỉ là bước đầu tiên trong một chuỗi tiêu thụ vô hình nhưng đầy tính hệ thống.

Trong lúc tất bật xử lý thịt, ông Em (chủ lò mổ) ngẩng lên hỏi vọng: “Xe lợn nhà mình đâu rồi? Hôm nay đông quá, chưa biết khi nào mới xong”. Ông Em than phiền khối lượng công việc quá tải và tỏ ra dè dặt với yêu cầu giết mổ lợn có bệnh vì không ai muốn nhận lợn đã chết. Nhưng nếu còn sống, thì việc gì cũng giải quyết được và phải xem tình trạng thực tế của lợn trước khi bắt để xẻ thịt.
Cách đó không xa, tại lò mổ của bà Thu, cảnh tượng cũng diễn ra tương tự. Khi chúng tôi hỏi về việc mua bán lợn, một người đàn ông tự nhận là chồng của bà Thu cho biết, lò quá tải nên mọi trao đổi phải trực tiếp gặp bà Thu ở chợ đầu mối Hải Bối – nơi bà đang “lọc hàng”. Người đàn ông này nhanh chóng sắp xếp một chuyến xe máy để đưa chúng tôi đến đó.

Chợ đầu mối lúc 3 giờ sáng: Nơi thịt lợn ốm, yếu, có dấu hiệu nhiễm bệnh được “thay áo mới”
Dù mưa vẫn xối xả, nhưng chợ đầu mối Hải Bối lúc 3 giờ sáng đông nghẹt người. Những chuyến xe chở thịt tươi cập bến liên tục, công nhân bốc dỡ, tiểu thương lựa chọn hàng hóa trong một không khí khẩn trương.

Thịt được xếp lên các sạp, lọc nhanh, phân loại, chuẩn bị vận chuyển đi khắp nội đô và các tỉnh lân cận để vào các nhà hàng, quán ăn và chợ dân sinh.
Những khối thịt đỏ tươi, nhìn qua không có dấu hiệu bất thường, nhưng sự thật bên trong chúng lại đáng sợ: không ai biết rõ nguồn gốc những tảng thịt kia là từ những con lợn bệnh đã tím tái, yếu ớt nằm chờ chết ở lò mổ.


Vì lớp da sần sùi, chi chít dấu hiệu bệnh tật đã bị lột bỏ, phần thịt được lọc lại tỉ mỉ và nhìn không khác gì thịt “sạch”.
Quầy hàng của bà Thu nằm ở vị trí trung tâm, một trong những quầy lớn nhất khu chợ. Bà Thu ngồi xổm giữa những tảng thịt lớn, đi dép lê ướt mưa, gác chân lên sạp, còn đôi tay thoăn thoắt lọc hàng từ chính lò mổ của gia đình.
Khi chúng tôi đề cập chuyện bán lợn, bà Thu hỏi: “Có bao nhiêu con? Tình trạng sức khỏe thế nào?” Và tiếp lời: “Lợn yếu thì chị nhập 20.000 đồng/kg”.
Chúng tôi bất ngờ vì mức giá quá thấp so với ông Em đưa ra (28.000 – 30.000 đồng/kg). Bà Thu cười nhạt: “Hôm qua chị bắt một đàn mười mấy con cũng chỉ 20.000 đồng thôi. Giá đó thì làm gì có lợn khỏe”.

Chúng tôi hỏi thêm về nơi tập kết, bà lảng tránh: “Chị còn một cái kho chuồng gần đây. Kho đó để lợn yếu, lợn bệnh. Khi nào thịt thì mang lên làm luôn trên lò ở nhà. Nhưng chỗ đó chị không tiết lộ được đâu”.
Giữa dòng người tấp nập tại chợ Hải Bối, chúng tôi tiếp tục trò chuyện với một vài tiểu thương chuyên gom thịt số lượng lớn. Một người thừa nhận: “Thịt lợn nái bệnh nhập vào chỉ 20.000 – 30.000 đồng/kg, nhưng sau khi xử lý, dọn sạch lớp da và chỉ lấy thịt, thì các đầu nhập phải trả cho lò mổ tới hơn 100.000 đồng/kg”.
Con số đó khiến chúng tôi choáng váng. Bởi thực tế, với giá bán lẻ đến tay người tiêu dùng, mức chênh lệch có thể còn cao hơn nữa. Và chỉ cần không để nguyên con, không để da sần, thì không ai biết thịt đó từ lợn bệnh nên khó để kiểm tra bằng mắt thường.
Và quả thực, giữa chợ đông người, giữa tiếng dao băm, tiếng rao hàng và dòng xe nối đuôi nhau ra vào trong đêm, ai có thể ngờ rằng những thớ thịt đỏ au kia, chỉ vài tiếng trước còn nằm trong xác lợn tím tái, không sức sống?
Khi trời bắt đầu ló rạng, cũng là lúc các lò mổ xuống đèn và im ắng. Nhưng câu chuyện về những con lợn bệnh bị kéo lê, xẻ thịt và thịt của chúng xuất hiện trên bàn ăn của các nhà hàng hay hộ gia đình mỗi ngày vẫn chưa kết thúc và tiềm ẩn đầy nguy cơ cho sức khỏe cộng đồng.
* Tên nhân vật đã được thay đổi
Thịt lợn là một trong những loại thực phẩm được tiêu thụ phổ biến nhất hiện nay. Do đó, các hoạt động liên quan đến giết mổ và kinh doanh thịt lợn luôn đòi hỏi phải tuân thủ nghiêm ngặt các quy định về an toàn thực phẩm.
Cụ thể, tại các cơ sở giết mổ, việc bảo đảm các điều kiện về kiểm dịch, vệ sinh, và xử lý chất thải là yêu cầu bắt buộc. Trong khi đó, các cơ sở kinh doanh thịt lợn tươi sống cũng phải đáp ứng các tiêu chuẩn về bảo quản, vận chuyển và vệ sinh tại điểm bán để bảo vệ sức khỏe người tiêu dùng.
Tuy nhiên, theo ghi nhận thực tế của nhóm phóng viên báo Lao Động tại hai lò giết mổ của ông Em và bà Thu, hầu hết các quy trình tại đây đều không đáp ứng các yêu cầu về vệ sinh an toàn thực phẩm.
Từ khâu thu gom lợn, thậm chí là lợn bệnh, cho đến quá trình giết mổ, phân phối, tất cả đều diễn ra trong điều kiện không kiểm soát.
Đáng lo ngại hơn, suốt quá trình từ lò mổ cho đến khi thịt được đưa vào chợ đầu mối Hải Bối, hoàn toàn không có sự hiện diện của bất kỳ lực lượng kiểm soát hay cơ quan chức năng nào thực hiện kiểm dịch.
Điều này đồng nghĩa với việc thịt lợn không rõ nguồn gốc, không qua kiểm tra chất lượng vẫn có thể dễ dàng được tuồn ra thị trường.
Những miếng thịt đỏ au được sơ chế kỹ lưỡng tại lò mổ cứ thế len lỏi qua các khâu trung gian, cuối cùng xuất hiện trên bàn ăn của các quán ăn, nhà hàng và hộ gia đình, mà người tiêu dùng hoàn toàn không hề hay biết về nguồn gốc và mức độ an toàn của chúng.
Nguồn: https://laodong.vn/ban-doc/nhung-con-lon-khong-the-dung-vung-da-san-sui-tim-tai-va-bi-mat-sau-nhung-tho-thit-do-au-1539025.ldo