Mức lương hưu tối đa không quá 20 lần mức lương cơ sở theo Khoản 3 Điều 89 Luật Bảo hiểm xã hội. Vậy mức lương cao nhất mà cán bộ hưu trí được nhận sẽ là bao nhiêu?
Cách tính lương hưu năm 2024?
Lương hưu năm 2024 được tính như sau:
* Đối với người tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc
Căn cứ Điều 56 Luật Bảo hiểm xã hội 2014 thì mức lương hưu khi đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc được tính theo công thức sau:
Lương hưu khi đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc = Tỷ lệ hưởng x Mức bình quân tiền lương tháng đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc.
Tỷ lệ hưởng lương hưu hằng tháng của người lao động đủ điều kiện hưởng lương hưu được tính như sau:
– Lao động nữ nghỉ hưu năm 2024, tỷ lệ hưởng lương hưu hằng tháng được tính bằng 45% tương ứng với 15 năm đóng bảo hiểm xã hội, sau đó cứ thêm mỗi năm đóng bảo hiểm xã hội thì tính thêm 2%; mức tối đa bằng 75%.
– Lao động nam nghỉ hưu năm 2024, tỷ lệ hưởng lương hưu hằng tháng được tính bằng 45% tương ứng với 20 năm đóng bảo hiểm xã hội, sau đó cứ thêm mỗi năm đóng bảo hiểm xã hội, được tính thêm 2%; mức tối đa bằng 75%.
Mức lương hưu hằng tháng của người lao động đủ điều kiện quy định tại Điều 55 Luật Bảo hiểm xã hội 2014 được tính như quy định nêu trên, sau đó cứ mỗi năm nghỉ hưu trước tuổi quy định thì giảm 2%.
Trường hợp thời gian nghỉ hưu trước tuổi có thời gian lẻ dưới 6 tháng thì không giảm tỷ lệ phần trăm hưởng lương hưu, thời gian lẻ từ 6 tháng trở lên thì tính mức giảm là 1%.
Mức lương hưu hằng tháng của lao động nữ đủ điều kiện hưởng lương hưu theo quy định tại khoản 3 Điều 54 Luật Bảo hiểm xã hội 2014 được tính theo số năm đóng bảo hiểm xã hội và mức bình quân tiền lương tháng đóng bảo hiểm xã hội như sau: đủ 15 năm đóng bảo hiểm xã hội tính bằng 45% mức bình quân tiền lương tháng đóng bảo hiểm xã hội quy định tại Điều 62 Luật Bảo hiểm xã hội 2014. Từ đủ 16 năm đến dưới 20 năm đóng bảo hiểm xã hội, cứ mỗi năm đóng tính thêm 2%.
Mức lương hưu hằng tháng thấp nhất của người lao động tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc đủ điều kiện hưởng lương hưu bằng mức lương cơ sở (1,8 triệu đồng/tháng), trừ trường hợp quy định tại điểm i khoản 1 Điều 2 và khoản 3 Điều 54 Luật Bảo hiểm xã hội 2014.
Cải cách tiền lương mức lương hưu tối đa là bao nhiêu?
Nếu không có gì thay đổi mà vẫn áp dụng cách tính lương hưu như hiện nay dù cải cách tiền lương thì theo Điều 56 Luật BHXH năm 2014 và Điều 7 Nghị định 115/2015/NĐ-CP, lương hưu hàng tháng được tính theo công thức sau đây:
Lương hưu = Tỷ lệ hưởng x mức bình quân tiền lương tháng đóng BHXH
Như vậy, nếu cải cách tiền lương, lương hưu của cán bộ, công chức, viên chức và người lao động trong khu vực công sẽ tăng bởi:
– Mức bình quân tiền lương tháng đóng BHXH có thể sẽ tăng khi cải cách tiền lương bởi việc hưởng lương theo cách mới sẽ đảm bảo không làm lương được hưởng thấp hơn lương hiện hưởng. Đồng thời, mục tiêu đặt ra là đảm bảo lương thấp nhất của các đối tượng trong khu vực công phải cao hơn lương thấp nhất bình quân các vùng của khu vực doanh nghiệp đến năm 2025.
– Tỷ lệ hưởng vẫn giữ nguyên như quy định hiện nay:
Lao động nam: Nghỉ hưu từ 2022 trở đi: Được hưởng 45% khi đóng đủ 20 năm BHXH, sau đó cứ thêm một năm thì tính thêm 2% đến tối đa là 75%. Lao động nữ: Đóng BHXH đủ 15 năm thì hưởng 45%, sau đó cứ thêm một năm thì tính thêm 2% đến tối đa là 75%.
Riêng với người lao động làm việc tại doanh nghiệp ngoài khu vực công thì do không chịu tác động của chính sách cải cách tiền lương nên mức lương hưu từ 01/7/2024 sẽ không có gì thay đổi.