Trên mạng xã hội, người dân Thái Nguyên liên tục cầu cứu, tìm những xuồng cứu sinh, phao, thuyền giải cứu người thân đang gặp nguy hiểm do ngập cao, không thể tự di tản.
Chiều 9/9, Đài Khí tượng thủy văn tỉnh Thái Nguyên cho biết trên sông Cầu, lũ đang lên nhanh và diễn biến rất phức tạp do ảnh hưởng của mưa lớn cục bộ và vận hành một số hồ chứa ở phía thượng lưu.
Các trạm thủy văn Gia Bẩy và trạm thủy văn Chã, Đài Khí tượng thông tin lũ đang tiếp tục có xu thế tăng.
Tại Trạm thủy văn Gia Bẩy, mực nước lũ lúc 13h đạt mức 2.850cm, cao hơn 150cm so với Báo động cấp III và cao hơn 36cm so với trận lũ lịch sử xảy ra vào ngày 2/7/1959, hiện đang tiếp tục có xu thế tăng chậm.
Nước ngập sâu tại Thái Nguyên (Ảnh: T.Đ.).
Tại trạm thủy văn Chã lúc 13h là 854cm, cao hơn 54cm so với báo động cấp I và tiếp tục có xu thế tăng. Nhà chức trách cảnh báo 6-12 giờ tới, lũ trên sông Cầu tiếp tục lên chậm dần và có khả năng đạt đỉnh.
“Đây là trận lũ có diễn biến rất phức tạp do ảnh hưởng từ mưa lớn cục bộ và vận hành điều tiết các hồ phía thượng lưu, do vậy làm gia tăng mức độ ngập lụt ven sông kéo dài, có nguy cơ sạt lở bờ sông, đê bao, gây ngập úng vùng trũng thấp, có nguy cơ xảy ra lũ quét, sạt lở đất gây ảnh hưởng đến an toàn đối với các tuyến đê vùng ven các sông, suối và những điểm xung yếu như bờ ta luy cao, bãi thải”, Đài Khí tượng thủy văn Thái Nguyên cảnh báo và đánh giá cấp độ rủi ro thiên tai do lũ lên cấp 3.
Trẻ em, phụ nữ được di tản bằng thuyền (Ảnh: Đài PTTH Thái Nguyên).
Lực lượng chức năng cho biết, TP Phổ Yên, TP Thái Nguyên, huyện Đồng Hỷ, Phú Bình… xảy ra ngập úng, nước lũ dâng cao, có nơi hơn 70cm, thời gian ngập 12-24 giờ, có nơi thời gian ngập úng lâu hơn.
Trên mạng xã hội, người dân Thái Nguyên liên tục cầu cứu, tìm những xuồng cứu sinh, phao, thuyền giải cứu người thân đang gặp nguy hiểm do ngập cao, không thể tự di tản.
Trên mạng xã hội, nhiều người dân cầu cứu, tìm kiếm sự hỗ trợ (Ảnh: Chụp màn hình).
Đáp lại, nhiều cá nhân, tổ chức, nhóm… đã đăng tải thông tin liên lạc, đề nghị người gặp nạn gọi điện trực tiếp để thông báo vị trí, từ đó có thể di chuyển phương tiện đến ứng cứu.