Ngày 3-7, đại diện Phòng cảnh sát giao thông (PC08) Công an TP.HCM cho biết Công an TP phát động toàn dân tham gia cung cấp thông tin, hình ảnh vi phạm giao thông trên địa bàn.
Thư ngỏ của giám đốc Công an TP.HCM kêu gọi cung cấp hình ảnh, thông tin vi phạm giao thông
Theo đó, trong thời gian qua, công tác xử lý vi phạm hành chính thông qua việc sử dụng phương tiện, thiết bị kỹ thuật nghiệp vụ được cảnh sát giao thông TP.HCM triển khai quyết liệt và đạt nhiều hiệu quả.
Bên cạnh đó, người dân đã tích cực cung cấp các thông tin, hình ảnh liên quan trật tự an toàn giao thông cho cảnh sát giao thông bằng nhiều kênh, từ đó cảnh sát giao thông đã xác minh, xử lý theo quy định, góp phần nâng cao ý thức chấp hành luật giao thông của người dân.
Với phương châm “mỗi người dân là một chiến sĩ cảnh sát giao thông phát hiện hành vi vi phạm”, trung tướng Lê Hồng Nam, giám đốc Công an TP.HCM, đã có thư ngỏ về việc phát động phong trào toàn dân tham gia phát hiện, cung cấp thông tin, hình ảnh phản ánh vi phạm giao thông.
Theo đó, người dân có thể cung cấp thông tin vi phạm bằng các hình thức:
– Trực tiếp đến trụ sở cơ quan, đơn vị của người có thẩm quyền để cung cấp (trụ sở cơ quan công an gần nhất hoặc cơ quan công an nơi phát hiện vụ việc vi phạm), gồm: Phòng cảnh sát giao thông, các đội/trạm cảnh sát giao thông thuộc phòng và các đội cảnh sát giao thông – trật tự công an quận huyện, TP Thủ Đức.
– Thông qua hộp thư điện tử, cổng thông tin điện tử hoặc trang thông tin điện tử, số điện thoại đường dây nóng (trang Zalo Official Account “Phòng Cảnh sát giao thông TP.Hồ Chí Minh”, hộp thư điện tử: [email protected], số điện thoại đường dây nóng của Phòng cảnh sát giao thông: 0326.08.08.08).
– Gửi thư thông qua dịch vụ bưu chính.
Bảo mật thông tin người phản ánh vi phạm giao thông
Cơ quan tiếp nhận sẽ có trách nhiệm bảo đảm bí mật họ tên, địa chỉ, số điện thoại liên hệ, bút tích và thông tin khác của tổ chức, cá nhân đã cung cấp thông tin, hình ảnh.
Người dân khi cung cấp cần để lại họ tên, địa chỉ, số điện thoại liên hệ (nếu có) để khi cần cơ quan tiếp nhận sẽ liên hệ xác minh, đối chiếu và chịu trách nhiệm trước pháp luật về tính xác thực của thông tin, hình ảnh đã cung cấp.
Thông tin, hình ảnh làm căn cứ xác minh, phát hiện hành vi vi phạm phải đảm bảo các yếu tố: rõ về biển số xe, thời gian vi phạm, địa điểm, đối tượng, hành vi vi phạm và còn thời hiệu xử phạt vi phạm hành chính (bản ảnh có giá trị pháp lý trong vòng 1 năm kể từ lúc phát hiện vi phạm).