Với định hướng chuyển đổi số toàn diện của TP.HCM, thì giải pháp thanh toán không tiền mặt trên tuyến Metro số 1 Bến Thành – Suối Tiên là một giải pháp thiết thực, đồng thời cũng là xu hướng chung của tương lai, giúp hành khách thanh toán tiện lợi và an toàn trong việc sử dụng các phương tiện giao thông công cộng.
Để hiểu rõ hơn về giải pháp thanh toán không tiền mặt trên tuyến Metro số 1, PV VOV Giao thông đã có cuộc trao đổi nhanh với ông Trần Đăng Thành – Phó Giám đốc Công ty TNHH MTV Đường sắt Đô thị số 1 TP.HCM.
PV : Ông có thể cho biết rõ hơn về giải pháp thanh toán không tiền mặt trên tuyến tàu Metro số 1 Bến Thành – Suối Tiên khi chúng ta đưa vào vận hành khai thác thương mại tới đây không?
Ông Trần Đăng Thành: Hiện nay, tuyến số 1 đang có kế hoạch vận hành khai thác trong năm 2024 này. Song song với công tác tiếp nhận đào tạo, chuyển giao công nghệ từ dự án, cũng như tiếp nhận những công trình, thiết bị từ dự án, công ty cũng đang phối hợp với Ban Quản lý Đường sắt Đô thị và các bên liên quan triển khai một số giải pháp để tăng cường tiện ích cho người dân trong thời gian tới khi sử dụng đường sắt đô thị, trong đó có hình thức thanh toán không tiền mặt.
Phó Chủ tịch UBND TP.HCM – Ông Bùi Xuân Cường kiểm tra hệ thống máy bán vé tự động của tuyến metro số 1 Bến Thành – Suối Tiên
Đây là xu hướng hiện nay. Việc ký kết hợp tác với MasterCard cũng là một cơ sở nền tảng để triển khai giải pháp này nhằm mang lại tiện ích cho người dân đi lại trong thời gian tới.
PV : Tới thời điểm này chúng ta còn gặp những khó khăn, vướng mắc nào trong việc triển khai các giải pháp này, thưa ông?
Ông Trần Đăng Thành: Hiện nay, trong dự án tuyến đường sắt đô thị số 1, vẫn còn một số việc chưa triển khai được, chẳng hạn như vé tháng cho hành khách và việc sử dụng thẻ ngân hàng để mua vé hoặc nạp tiền cũng chưa được triển khai trên hệ thống của quỹ tiền tệ.
Về nội dung này, nhiều nước đã triển khai, ví dụ như Singapore có thể sử dụng thẻ ngân hàng trong nước cũng như quốc tế để thanh toán đi lại. Công ty đã đề xuất nội dung này và sau đó Sở Giao thông Vận tải cũng đã thống nhất đề xuất lên Ủy ban.
Được sự cho phép của Ủy ban thành phố, công ty đã ký kết biên bản hợp tác với MasterCard. Nội dung hợp tác này gồm các phần như sau: Thứ nhất, phối hợp nghiên cứu giải pháp; sau đó MasterCard sẽ phối hợp với công ty để triển khai các giải pháp đó; và cuối cùng là các thủ tục về quảng bá tuyên truyền để vận động người dân sử dụng loại hình này, tăng thêm hiệu quả tiện ích cho đường sắt đô thị.
Lãnh đạo các đơn vị tham dự lễ ký kết triển khai giải pháp thanh toán không dùng tiền mặt cho tuyến metro số 1 Bến Thành – Suối Tiên
Hiện nay, có định hướng bên cạnh hệ thống thu phí tự động của tuyến đường sắt đô thị số 1, sẽ nghiên cứu giải pháp bố trí thêm cổng hoặc cải tiến hệ thống thu phí tự động hiện tại để trong thời gian tới, khi đi vào vận hành khai thác, có thể sử dụng thẻ ngân hàng trong nước và quốc tế để thanh toán và nạp tiền cho việc sử dụng đường sắt đô thị.
PV: Có thông tin là tới đây người dân cũng có thể sử dụng CCCD để thanh toán. Vậy ông có thể nói rõ hơn về vấn đề này không
Ông Trần Đăng Thành: Trong hợp tác này, công ty cũng đã làm việc với Cục C06 và Phòng PC06 về việc sử dụng CCCD như một tài khoản để thanh toán khi đi lại cho các đối tượng ưu tiên, đối tượng sử dụng vé tháng. Đây là một trong những nội dung hiện nay tuyến đường sắt đô thị số 1 đang hướng tới.
PV: Hiện nay, cơ cấu giá vé cho tuyến đường sắt đô thị số 1 đã được chúng ta xây dựng và ban hành như thế nào, thưa ông?
Ông Trần Đăng Thành: Cơ cấu giá vé trước đây do Ủy ban Thành phố giao cho Ban Đường sắt Đô thị cùng với công ty nghiên cứu. Sau đó, nội dung này đã được chuyển giao cho Sở Giao thông Vận tải.
Được biết, hiện nay Sở Giao thông Vận tải đang trong bước cuối để trình Ủy ban Thành phố cũng như lấy ý kiến của một số sở ngành, như Sở Tư pháp, để hoàn thiện. Không chỉ là giá vé, mà còn là các chính sách hỗ trợ cho người dân khi sử dụng đường sắt đô thị sẽ được trình chung trong một bước.
Theo tôi biết, hiện nay Sở Giao thông Vận tải đang tiếp thu ý kiến của Sở Tư pháp để trình Ủy ban Nhân dân Thành phố.
PV: Theo kế hoạch, chỉ còn vài tháng nữa là chúng ta sẽ chính thức đưa vào vận hành khai thác thương mại tuyến metro số 1 Bến Thành – Suối Tiên. Vậy công tác nhân sự hiện nay đã được công ty chúng ta chuẩn bị như thế nào, thưa ông?
Ông Trần Đăng Thành : Về nhân viên, công ty chia làm ba loại gồm: nhân viên quản lý tại trụ sở, nhân viên vận hành, và nhân viên bảo trì. Về nhân viên vận hành, có khoảng 377 đến 400 người.
Tuyến metro số 1 Bến Thành – Suối Tiên sẽ chính thức đưa vào vận hành khai thác thương mại trong quý IV-2024
Tư vấn NJPT của dự án, tức là nhà thầu Nhật Bản liên doanh với nhà thầu trong nước, đã hoàn thành đào tạo lý thuyết. Hiện nay, công ty đã bắt đầu đào tạo một số nội dung thực hành cơ bản ban đầu.
Trong thời gian tới, sẽ có khoảng 2 tháng đào tạo thực hành trên 9 tuyến. Sau đó, nhân viên sẽ thực hiện một số thủ tục để cấp giấy phép lái tàu. Đối với tuyến lần đầu tiên sử dụng công nghệ mới, sẽ có một quy định riêng áp dụng trong thời gian chạy thử, và sẽ tiến hành kiểm tra để cấp giấy phép lái tàu luôn đó là về nhân viên vận hành.
Còn về nhân viên bảo trì, hiện nay có 2 gói thầu trong số 4 gói thầu đã hoàn thành phần đào tạo chuyển giao công nghệ của dự án, gồm CP1A, CP1B, CP2, và CP3. Trong đó, CP1A và CP1B đã hoàn thành, còn CP2 và CP3 sẽ sớm triển khai.
Hiện nay, Ban Quản lý Đường sắt Đô thị cùng công ty, tư vấn NJPT và các nhà thầu cũng đang xác định thời gian triển khai. Về cơ bản, số lượng nhân sự và điều kiện đầu vào đã được xác định. Công ty cũng đã phỏng vấn bước đầu để chuẩn bị sẵn nhân sự. Khi xác định thời gian đào tạo, công ty sẽ huy động số lượng nhân sự này để tiếp nhận đào tạo từ phía nhà thầu.
PV: Vâng, xin cảm ơn ông đã dành thời gian cho cuộc trao đổi hôm nay!
Đến nay dự án tuyến đường sắt đô thị metro số 1 Bến Thành – Suối Tiên đã thi công hoàn thành hơn 98% tổng khối lượng.
Các nhà ga ngầm và nhà ga trên cao cơ bản cũng đã hoàn thành. Dự kiến tuyến sẽ đưa vào hoạt động vận hành khai thác thương mại trong quý IV/2024.
Do đó, việc thực hiện phương án thanh toán tự động, không dùng tiền mặt cho hoạt động của tuyến metro này có ý nghĩa hết sức quan trọng, đánh dấu bước tiến trong hành trình nâng cao chất lượng dịch vụ giao thông công cộng, hướng tới việc mang lại sự tiện lợi, nhanh chóng và an toàn cho hành khách khi sử dụng các phương tiện giao thông công cộng tại TP.HCM.