Bạn đọc Quế Anh (Thái Nguyên) hỏi: “Đối với cán bộ, công chức, viên chức, khi thực hiện nhiệm vụ trong lĩnh vực đất đai, có những hành vi nào bị cấm?”

Công ty Luật TNHH Youme trả lời: Theo Điều 240 Luật Đất đai 2024, cán bộ, công chức, viên chức vi phạm pháp luật trong quá trình thi hành công vụ liên quan đến lĩnh vực đất đai có thể bị xử lý kỷ luật, nếu hành vi vi phạm bị phát hiện và còn trong thời hiệu xử lý.
Trong đó bao gồm các hành vi như: Lợi dụng, hoặc lạm dụng chức vụ, quyền hạn làm trái với quy định của pháp luật trong công tác quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất, giao đất, cho thuê đất, chuyển mục đích sử dụng đất, thu hồi đất, trưng dụng đất, bồi thường, hỗ trợ, tái định cư, xác định nghĩa vụ tài chính về đất đai, quản lý hồ sơ địa chính, đăng ký, cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, Giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà ở và quyền sử dụng đất ở, Giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà ở, Giấy chứng nhận quyền sở hữu công trình xây dựng, Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản gắn liền với đất, Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu tài sản gắn liền với đất, ra quyết định hành chính trong quản lý đất đai;
Thiếu trách nhiệm trong quản lý để xảy ra vi phạm pháp luật về đất đai hoặc có hành vi khác gây thiệt hại đến lợi ích của Nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của người sử dụng đất;
Vi phạm quy định về lấy ý kiến, công bố, công khai thông tin; vi phạm quy định về trình tự, thủ tục hành chính; vi phạm quy định về báo cáo trong quản lý đất đai.
Điều 109 Nghị định 102/2024 quy định chi tiết các hành vi vi phạm pháp luật trong quản lý đất đai khi thi hành công vụ mà bị xử lý kỷ luật như sau:
Vi phạm quy định về hồ sơ và mốc địa giới đơn vị hành chính như làm sai lệch sơ đồ vị trí, bảng tọa độ, biên bản bàn giao mốc địa giới đơn vị hành chính…;
Vi phạm về lập, điều chỉnh, phê duyệt, quản lý quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất;
Vi phạm quy định về thu hồi đất, bồi thường, hỗ trợ, tái định cư;
Vi phạm quy định về trưng dụng đất, bao gồm các hành vi: thực hiện bồi thường không đúng đối tượng, diện tích đất, mức bồi thường, thời hạn bồi thường cho người có đất trưng dụng; trưng dụng đất không đúng quy định…;
Vi phạm quy định về giao đất, cho thuê đất, chuyển mục đích sử dụng đất;
Vi phạm quy định về đăng ký, cấp giấy chứng nhận về quyền sử dụng đất;
Vi phạm về tài chính về đất đai như tính tiền sử dụng đất, tiền thuê đất không đúng căn cứ, không đúng thời điểm theo quy định; miễn, giảm tiền sử dụng đất, tiền thuê đất không đúng đối tượng…;
Vi phạm quy định về quản lý đất do được Nhà nước giao để quản lý;
Vi phạm quy định về thực hiện trình tự, thủ tục hành chính về đất đai
Vi phạm về việc thu hồi đất đối với các trường hợp quy định tại Điều 81 Luật Đất đai, bao gồm các hành vi như không gửi thông báo đối với trường hợp thu hồi đất quy định; không trình quyết định thu hồi đất, không ban hành quyết định thu hồi đất đối với trường hợp quy định…;
Các hành vi vi phạm khác bao gồm: Không ngăn chặn, xử lý các hành vi vi phạm pháp luật đất đai để xảy ra hậu quả nghiêm trọng;
Không thực hiện đúng trách nhiệm trong việc phát hiện, ngăn chặn và xử lý vi phạm pháp luật đất đai;
Phân biệt đối xử về giới trong hoạt động quản lý, sử dụng đất đai;
Cản trở, gây khó khăn đối với việc sử dụng đất, việc thực hiện quyền của người sử dụng đất theo quy định của pháp luật;
Không cung cấp hoặc cung cấp thông tin về đất đai không chính xác theo quy định của pháp luật;
Không báo cáo hoặc báo cáo không kịp thời trong quản lý đất đai theo quy định;
Sử dụng quỹ phát triển đất không đúng mục đích;
Vi phạm chính sách hỗ trợ đất đai đối với đồng bào dân tộc thiểu số.